Tuy nhiên, theo ghi nhận ngày 11/4/2024, trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, độ mặn đo được cao nhất tại cảng Bà Lụa là 1,2‰, khu vực Nhà máy nước ấp Chánh Lộc, Chánh Mỹ-Thủ Dầu Một là 0,7‰.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam có kế hoạch xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng với lưu lượng và thời điểm phù hợp để đẩy mặn cho hạ du sông Sài Gòn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân ven sông.
Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, nhiều tháng nay, do tác động của hiện tượng El Nino đã gây ra những thay đổi đáng kể trong thời tiết tại khu vực Nam Bộ, điển hình là nắng nóng kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến lượng nước ở khu vực nguồn của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, khiến lượng nước đổ về hai con sông đoạn qua tỉnh Bình Dương ngày càng ít đi, tình hình xâm nhập mặn lấn sâu. Bên cạnh đó, những đợt triều cường dâng cao làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn, đặc biệt ở phía hạ lưu các tuyến sông lớn này.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của cộng đồng dân cư địa phương. Hiện nước mặn xâm nhập vào sâu nhất trên sông Sài Gòn là 76 km, trong khi tại sông Đồng Nai là 78 km.
Bình Dương không tiếp giáp với biển nhưng do thủy triều dâng cao cùng lượng nước từ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng đổ về hai tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai giảm sút dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng nặng hơn do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt trên sông Sài Gòn và Đồng Nai bị ảnh hưởng khá trầm trọng.