Vướng mắc cơ chế tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đánh giá là ngành công nghiệp cơ bản, thúc đẩy các ngành CN khác phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang loay hoay tìm cách giải bài toán vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu về vốn lớn

Theo thống kê, cả nước mới có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, so với tổng số 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước thì DN hỗ trợ chỉ chiếm 0.3%, con số này quá ít ỏi so với một nước đang tiến lên công nghiệp hóa. Tuy nhiên, ngay cả với con số ít ỏi đó, các DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn.

Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hải Vân, mặc dù đã hoạt động trong ngành CNHT được 10 năm, nhưng đến nay, ông Hoàng Văn Thái, Giám đốc Công ty vẫn luôn trăn trở về bài toán phát triển của công ty. Ông Thái cho biết: “Hiện công ty vẫn chủ động vay vốn ngân hàng, lãi suất như bình thường chứ không được hỗ trợ gì, công ty cũng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Do đó, vấn đề tăng vốn vay mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị vẫn là mong mỏi nhiều năm nay của công ty”.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chuyên sản xuất linh kiện xe máy, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết, công ty mong muốn mở rộng sản xuất, dây chuyền để cung cấp hàng cho các hãng lớn như Toyota, Ford nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, nếu muốn đầu tư đổi mới công nghệ phải có nguồn vốn ít nhất từ 20 - 30 triệu USD. Do đó, hỗ trợ về vốn để thực hiện dự án đầu tư đổi mới công nghệ là yêu cầu cấp thiết của DN hiện nay nhưng hiện DN mới chỉ tiếp cận nguồn vốn vay thông thường của các ngân hàng thương mại.

Thực tế trên cũng là tình trạng chung của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện nay. Ông Trần Văn Quang, Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ngành CNHT còn nhiều hạn chế, mới ở giai đoạn phát triển sơ khai và manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành CN chế tạo, lắp ráp. Hiện các DN trong ngành này còn ít, công nghệ lạc hậu và khả năng cạnh tranh yếu kém, nghèo nàn về chủng loại, chưa kể đến giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu...

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho CNHT rất hạn chế, các DN rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù hiện nay có các quỹ nhằm hỗ trợ, ưu đãi cho DN phát triển sản xuất nhưng tiếp cận để hưởng ưu đãi.

Lý do trước hết là hiện nay theo quy định, việc hình thành các quỹ tài chính Nhà nước đều mở tại Kho bạc hoặc ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay các quỹ đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Trong khi đó, hệ thống kho bạc không thực hiện cho vay theo hình thức tín dụng. Theo ông Trần Văn Quang, nguồn ngân sách Nhà nước được bố trí cho quỹ để hỗ trợ theo hình thức cho vay (kể cả có lãi hoặc không có lãi) cần phải được hiểu là đã được chuyển từ hình thức nguồn ngân sách sang hình thức hoạt động tín dụng, theo đó phải được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý Nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, do việc hình thành các quỹ theo các mục tiêu khác nhau nên điều lệ, hướng dẫn cũng khác nhau, dẫn đến DN đang rất khó tiếp cận để diễn giải các nội dung chi tiết, phụ thuộc khá nhiều vào cơ quan quản lý dẫn đến việc xem xét, giải quyết các hồ sơ thủ tục kéo dài, nhiều khi làm mất cơ hội đầu tư của DN, dẫn đến DN không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn của DN lại rất lớn.

Đổi mới trong tiếp cận vốn

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, để nguồn vốn hỗ trợ đến được với DN, trước hết cần tái cơ cấu, tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời vận hành hiệu quả hơn nữa các Quỹ hỗ trợ như Quỹ bảo lãnh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Các bộ, ngành cần kiên quyết cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các khâu thẩm định, giảm thuế, cung cấp tín dụng.

Cùng với đó, Nhà nước cần hoàn thiện, cập nhật chiến lược phát triển ngành CNHT cùng với ban hành chương trình phát triển CNHT 2016 - 2021, thành lập Quỹ phát triển CNHT; nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, giám sát thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN. Nâng cao năng lực, vai trò của các hiệp hội ngành nghề và các trung tâm phát triển CNHT, nhất là trong kết nối, tư vấn, đào tạo cho DN CNHT...

Về phía các ngân hàng, ông Lực cho hay, cần thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho doanh nghiệp ngành CNHT; tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng sản phẩm; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giao dịch, nâng cao trình độ nhân viên thẩm định dự án CNHT.

Về phía DN, do hầu hết các DN đang có nhu cầu về vốn đều là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên có ít DN tự đánh giá năng lực công nghệ, hoạch định chiến dịch kinh doanh, nhân lực hạn chế, các dự án đầu tư thiếu tính thuyết phục nên tính khả thi chưa cao. Do đó, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp; nghiên cứu kỹ thị trường, chuỗi cung ứng ngành nghề và chủ động liên kết, hợp tác liên doanh với DN trong và ngoài nước để tăng khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng.
Thu Trang
Lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi cho các DN đầu tư vào ngành CNHT đã được Nhà nước thực hiện, nhưng quan trọng là phải lựa chọn đúng mô hình. Việt Nam là nước đi sau, chúng ta có thể lựa chọn mô hình của các quốc gia khác để làm theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN