Theo ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), xây dựng những doanh nghiệp (DN) đầu đàn và hàng loạt vệ tinh sản xuất các linh phụ kiện, tạo nên những “cứ điểm” công nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh.
Chờ những “lồng ấp”
Hiện nay, số DN tham gia ngành CNHT mới chỉ chiếm 0,3% trên tổng số DN Việt Nam. Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G, kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội cho rằng: “DN sản xuất chưa thực sự thấy được lợi nhuận tốt khi tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT. Cộng đồng DN Việt Nam chỉ nhìn thấy những khó khăn, rủi ro quá lớn khi tham gia lĩnh vực này. Trong khi đó, định hướng của Nhà nước lại có tư duy ‘thả nổi’ để thị trường tự điều tiết phát triển theo hướng ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Do đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đi trước DN Việt Nam hàng chục thậm chí hàng trăm năm dễ dàng tiếp nhận cơ hội, làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà chúng ta”, ông Hoàng nói.
Chế tạo linh kiện điện tử tại nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Tập đoàn công nghệ BKAV. Ảnh: Hoàng Dương |
Ông Hoàng nêu quan điểm, kinh nghiệm của các nước láng giềng xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... cho thấy, các nước này đã nhận định rõ tầm quan trọng của ngành CNHT. Nhà nước trực tiếp định hướng, kiến tạo con đường để các DN có lối đi, được tạo cơ sở pháp lý hết sức cụ thể, thuận lợi. Thậm chí, Nhà nước nâng đỡ, cưu mang lúc các DN chập chững bước những bước đầu tiên. Nhà nước đã tạo ra các “lồng ấp” để nuôi dưỡng những “đứa con” DN trưởng thành, để mai này có trách nhiệm nuôi lại “cha mẹ”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: Việt Nam cần ưu tiên đầu tư mạnh hơn nữa cho phát triển CNHT, đồng thời cần tạo cơ chế nuôi dưỡng DN phát triển lĩnh vực CNHT ngay khi “mới lọt lòng”.
“Nếu chúng ta quan sát các bản hợp đồng cung cấp phụ kiện cho các DN của EU, Mỹ, Nhật Bản thì thấy rất khó để DN Việt Nam chen chân vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Trong điều kiện của DN Việt Nam hiện nay, cách thức hợp lý là DN phải hợp tác với các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm và phát triển. Nhà nước phải tạo ra những “lồng ấp” cho DN CNHT có điều kiện phát triển tốt hơn”, ông Tuất nói.
Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên
Theo các chuyên gia kinh tế, việc khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi cho các DN đầu tư vào ngành CNHT đã được Nhà nước thực hiện, nhưng quan trọng là phải lựa chọn đúng mô hình. Việt Nam là nước đi sau, chúng ta có thể lựa chọn mô hình của các quốc gia khác để làm theo. Tuy nhiên, Việt Nam không nên đầu tư dàn trải mà chỉ nên tập trung vào sản xuất một số lĩnh vực ưu tiên. Trên cơ sở đó, Nhà nước nên có chính sách phù hợp để thúc đẩy các ngành được lựa chọn làm mũi nhọn phát triển. Đồng thời, nên tham vấn ý kiến của DN để đưa ra những chính sách cụ thể và khả thi.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, có hai nhóm ngành lớn cần tập trung phát triển CNHT. Thứ nhất là CNHT phục vụ những nhóm sản xuất xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày. Với nhóm này, sản xuất ra là có ngay thị trường tiêu thụ, do đó giải pháp chủ yếu là về vốn. Thứ hai là CNHT phục vụ ngành công nghệ cao mà thế giới đang cần như điện tử, vi tính, hàng không. “Với nhóm này, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mời gọi các DN đầu tư”, ông Phong nói.
Còn TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa đề nghị: “Để phát triển nhanh CNHT cần phải có tác động mạnh từ khuôn khổ pháp lý, thể chế, chính sách. Nghị quyết Chính phủ về phát triển CNHT đã có rồi, các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương đã có rồi. Bước tiếp theo là phải xây dựng được những mô hình mẫu về phát triển CNHT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước”.
Phát triển CNHT thực chất là phát triển thị trường công nghiệp mà ở đó có nhiều nhà cung ứng. Nhà sản xuất, lắp ráp sẽ định hướng, hỗ trợ giúp các nhà cung ứng linh kiện đưa sản phẩm ra thị trường. Mô hình này đã dẫn đến sự phát triển “thần kì” của các nước có nền công nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, khó khăn mấu chốt của DN Việt Nam khi tham gia CNHT là đầu ra sản phẩm.
Để có được đơn đặt hàng sản xuất linh phụ kiện từ Toyota, các DN Việt Nam phải cạnh tranh rất mạnh với các DN Thái Lan khi họ đã có kinh nghiệm từ hàng chục năm qua. Linh kiện các ngành ô tô, điện tử... đang có xu hướng từ Thái Lan và một số nước trong ASEAN tràn mạnh vào Việt Nam. Do đó, phát triển CNHT cần sự nỗ lực của nhiều phía, không chỉ các ban ngành mà ngay DN cũng phải chủ động tiếp cận thị trường, tìm hiểu công nghệ thích hợp, nâng cao tay nghề, tìm kiếm đối tác... Có vậy mới có thể cạnh tranh được với các DN FDI mạnh cả về vốn và công nghệ.
“Các DN vừa và nhỏ của Việt Nam muốn tham gia vào lĩnh vực CNHT thì phải có chiến lược và phải hiểu rất rõ nhu cầu của ngành công nghiệp chính, từ đó mới có định hướng lâu dài để đầu tư về tài chính, nhân lực, công nghệ”, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội chia sẻ.