Việc kết nối công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại quốc gia đang phát triển kinh tế như Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Là quốc gia có hơn 17.500 hòn đảo, dân số gần 250 triệu người, Indonesia đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong nước và kết nối quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân và nhà nước.
Indonesia là một thị trường công nghệ thông tin tiềm năng với khoảng 250 triệu người tiêu dùng. |
Kết nối đáng tin cậy với các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác để duy trì cạnh tranh trong thế giới hội nhập cũng cho thấy lý do tại sao công nghệ thông tin nên được coi là một lĩnh vực ưu tiên. Tháng 10/2014, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch kết nối băng thông rộng trị giá 278.000 tỷ rupiah để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này xác định phát triển băng thông rộng tại quốc đảo này và hoạch định chiến lược cho 5 năm tới với mục đích chủ yếu nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tất nhiên, điều tương tự cũng cần áp dụng đối với lĩnh vực ICT ở Indonesia. Để đáp ứng yêu cầu, bắt kịp với sự phát triển quốc tế, bao gồm cả kết nối với các nước thành viên ASEAN khác, quy hoạch kết nối băng thông rộng nên được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định. Liên quan đến phát triển ICT ở Indonesia, có một số vấn đề như kỹ năng giáo dục và đào tạo cần được tăng cường bằng cách kết nối các trường học thông qua Internet, thực hiện chương trình dạy và học điện tử, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Indonesia đã chi 0,07% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho R&D trong năm 2010 so với Malaysia là 0,63%, Singapore 2,2% và Thái Lan 0,25%. Đối với một quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, các trung tâm dữ liệu nhà nước phục vụ công chúng là bắt buộc ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, có tính đến những rủi ro về môi trường (động đất, lũ lụt, sạt lở đất và núi lửa), các khía cạnh dự phòng (phục hồi thảm họa), an ninh (truy cập, giám sát, nguồn điện ổn định) và các hoạt động chuyên môn. Việc chia sẻ cơ sở hạ tầng liên ngành giúp giảm chi phí.
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, việc thúc đẩy thị trường thích hợp với các công nghệ mới như các ứng dụng di động, mã nguồn mở, dịch vụ lưu trữ, 4G/5G, thông tin liên lạc, ICT xanh, Trung tâm cuộc gọi... sẽ được xem xét. Đối với kết nối quốc tế, Indonesia đang phụ thuộc vào các tuyến cáp ngầm quốc tế dưới biển, hầu hết đi qua vùng biển Singapore và Malaysia. Việc đầu tư hệ thống cáp ngầm mới với các tuyến đường khác nhau đang được lên kế hoạch, chẳng hạn như tuyến cáp ngầm Đông Nam Á - Mỹ trị giá khoảng 250 triệu USD sẽ kết nối Manado - cửa ngõ phía Đông Indonesia và Davao ở miền Nam Philippines qua Guam đến bờ Tây nước Mỹ. Khi hoàn thành vào năm 2017, hệ thống cáp ngầm dài khoảng 15.000 km này sẽ cung cấp thêm 20 terabit mỗi giây (Tbps), kết nối Indonesia với Philippines và Mỹ. Việc dự phòng và định tuyến đa dạng các loại cáp ngầm rất quan trọng để bảo vệ kết nối chống tấn công khủng bố, phá hoại và đứt cáp do các thảm họa tự nhiên như động đất dưới biển.
Chính phủ Indonesia vừa thông báo thành lập Cơ quan an ninh mạng Quốc gia (NCA) là một bước đi đúng hướng khi quốc đảo này được liệt vào một trong ba mục tiêu hàng đầu thế giới của các cuộc tấn công mạng. NCA cần xây dựng và thực hiện chiến lược chống lại các cuộc tấn công mạng đang gia tăng để bảo vệ người dùng Internet, chính phủ, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp.
Với dân số trẻ, Indonesia là một thị trường tiềm năng với khoảng 250 triệu người tiêu dùng. Thực hiện những biện pháp đúng, đánh giá tình hình thực tế và kinh nghiệm phát triển quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu, Indonesia sẽ có cơ hội thúc đẩy ngành công nghệ thông tin quốc gia trong những năm tới, từ đó đóng một vai trò bình đẳng trên thị trường châu Á và toàn cầu đang rất cạnh tranh hiện nay.