Vun bồi nội lực để tăng trưởng mạnh và bền vững

“Cuộc khủng hoảng thuế quan lần này cho chúng ta có cơ hội nhìn lại những vấn đề nội tại của từng doanh nghiệp, từng ngành, của tổng thể nền kinh tế để từ đó có chiến lược ứng phó và phát triển bền vững hơn”, đây là chia sẻ của ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về chính sách áp thuế mới của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh minh họa: TTXVN

Doanh nghiệp dần bình tâm trở lại

Những ngày qua Ban IV đã sát cánh cùng hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân trong nước để tìm phương cách thích ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, ông nhận thấy tâm trạng của doanh nghiệp thế nào? 

Những ngày đầu tiên, tâm lý chung của doanh nghiệp là lo lắng, thậm chí sợ hãi, vì 2 vấn đề: Thứ nhất, mức thuế đối ứng mà Việt Nam phải chịu cao vượt dự báo và thứ hai, mức thuế này cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này làm giảm cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, một thị trường quan trọng hàng đầu, chiếm tới 28,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. 

Dù có nhiều phân tích rằng mức thuế được đưa ra chỉ nhằm mục đích đưa các quốc gia đến bàn đàm phán song phương với Hoa Kỳ nhưng nó cũng tạo ra cú sốc đối với nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, tìm cách đa dạng hóa thị trường. Các kế hoạch mở rộng kinh doanh cũng phải tạm dừng do điều kiện đầu tư hiện tại rất rủi ro. 

Mỗi ngành tùy vào tính chất và sự phụ thuộc vào thị trường có sự lo lắng khác nhau. Mức thuế cao chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn, nhất là với các ngành như nội thất, điện tử, máy móc thiết bị, da giày, dệt may... Thậm chí, các doanh nghiệp FDI có thể sẽ chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn (điện tử có thể chuyển sang Malaysia; may mặc sang Bangladesh…) thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tỷ lệ thất nghiệp, hoạt động vận tải cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, sau những lo lắng ban đầu, doanh nghiệp cũng dần bình tâm trở lại, đặc biệt sau khi Đảng - Chính phủ đã trực tiếp vào cuộc với nhiều giải pháp, tính toán chủ động; đồng thời Hoa Kỳ quyết định tạm dừng mức thuế đối ứng 90 ngày. Các doanh nghiệp đang trao đổi trong nội bộ từng ngành và với các cơ quan nhà nước để hiến kế, đưa ra các giải pháp thích ứng với bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp ngành gỗ, ngành nhựa, dệt may, bông sợi,… đều tìm cách tăng cường nhập nguyên liệu từ Hoa Kỳ. 

Song song với đó, doanh nghiệp nhiều ngành đều có chung đề xuất về việc kiểm tra, làm nghiêm với các trường hợp lẩn tránh xuất xứ, sản xuất trá hình tại Việt Nam thông qua việc đối chiếu số điện tiêu thụ, số lao động hay tiền lương so với doanh số xuất khẩu và các số liệu xuất - nhập khác. Nhiều phân tích về mức thuế doanh nghiệp các ngành có thể ứng phó cũng như kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp từ phía nhà nước cũng được đưa ra trao đổi.

Trong bối cảnh khó khăn, tinh thần đoàn kết, chia sẻ và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp lại được phát huy mạnh mẽ. Ở một góc nhìn tích cực, cuộc khủng hoảng thuế quan lần này cho chúng ta có cơ hội nhìn lại những vấn đề nội tại của từng doanh nghiệp, từng ngành, của tổng thể nền kinh tế để từ đó có chiến lược ứng phó và phát triển bền vững hơn. Một mô hình tăng trưởng mới cho quốc gia và các định hướng phát triển ngành mới sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới cho đất nước. 

Cùng các hiệp hội tham dự nhiều cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ để tham vấn các bước đi phù hợp, những nỗ lực của Chính phủ có đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, thưa ông? 

Sự vào cuộc nhanh chóng, trách nhiệm, chủ động và tự tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đem lại niềm tin lớn lao cho cộng đồng doanh nghiệp trong lúc phải đối phó với khó khăn vô cùng lớn từ bên ngoài. Chính phủ đã phản ứng rất nhanh và quyết liệt trước chính sách thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ. 

Chỉ chưa đầy 12 giờ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố mức thuế áp dụng với 180 quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngay lập tức thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để gặp gỡ các doanh nghiệp, các hiệp hội, phân tích thực tiễn để bàn cách ứng phó. Các cuộc họp và làm việc diễn ra liên tục dù đang trong kì nghỉ. 

Cuộc điện đàm quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donal Trump càng gia tăng niềm tin trong cộng đồng, vừa thể hiện sự tiên phong của Việt Nam trong giải quyết các xung đột bằng sự hài hòa, chân thành và tôn trọng đối tác, vừa mở ra kênh để giải quyết hiệu quả hơn các đàm phán về vấn đề thuế quan. Một không khí khẩn trương và cơ chế hiệp đồng tác chiến như trong thời chiến thể hiện tinh thần tất cả vì doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp, hiệp hội thấy được qua các hoạt động với cường độ cao của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng các bộ. 

Tất cả các kịch bản chi tiết để phục vụ cho việc đàm phán đã được bàn bạc, trao đổi, chuẩn bị qua nhiều vòng với sự tham gia của các bên liên quan. Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang Mỹ với vai trò đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã hoàn thành nhiệm vụ bước đầu nhưng các cơ chế, hoạt động khác vẫn liên tục diễn ra dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ để đảm bảo quá trình đàm phán tới đây khả thi, hiệu quả.

Kết quả đàm phán sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số, trong đó có phản ứng và thỏa thuận về chính sách thuế của nhiều quốc gia đối với Hoa Kỳ. Việt Nam cần phải tỉnh táo. Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng chúng ta không có nhiều “con bài” trong đàm phán do mức thâm hụt thương mại cao, những nghi ngờ về hàng hóa lẩn tránh và tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ đối với Việt Nam (trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam chỉ ở mức 13 tỷ USD, chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ). 

Chúng ta cần phải chuẩn bị cho cả những kịch bản xấu nhất. Tuy nhiên, sự đồng hành sát cánh của Chính phủ trong thời gian vừa qua như một “hiệu lệnh” quốc gia cho tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tất nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng các gói chính sách về lãi suất, tín dụng, xúc tiến thương mại, cải cách môi trường kinh doanh… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, khó dự báo này.

Chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày. Các doanh nghiệp xuất khẩu đón nhận tin này như thế nào, thưa ông? 

Cộng đồng doanh nghiệp như tháo được gánh nặng tạm thời nhưng sự lo lắng vẫn bao trùm do không biết 90 ngày sau thì mức thuế của Việt Nam là bao nhiêu; các nước khác là bao nhiêu. Tương lai không chắc chắn là điều đáng lo nhất vì nó sẽ làm chậm lại, thậm chí đóng băng nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Thông tin từ các hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng, doanh nghiệp logistics và vận tải biển cho thấy, sau lệnh tạm hoãn thuế quan của Hoa Kỳ, tốc độ xuất khẩu hàng hóa có sự cải thiện nhưng không hoàn toàn quay trở lại bối cảnh trước đó; nhiều sự cân nhắc của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cả FDI và nội địa đang diễn ra để phòng ngừa các diễn biến sau thời hạn 90 ngày.

Tất cả chúng ta đều dự đoán sẽ có đàm phán và mức thuế đối ứng sẽ giảm. Do đó, việc Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam là dấu hiệu cho thấy sự phù hợp của các phân tích khi cho rằng mức thuế đối ứng cao chỉ là “mỏ neo” Hoa Kỳ đưa ra để đàm phán. 

Thứ hai, dù mức thuế 10% vẫn được duy trì trong giai đoạn chuyển tiếp này, nhưng rõ ràng đây là khoảng thời gian vàng để các doanh nghiệp Việt Nam xem xét lại kế hoạch kinh doanh của mình, có kế hoạch ứng phó với thuế quan và các rủi ro thị trường khác. Trong 90 ngày này, doanh nghiệp đang chủ động tính toán lại kế hoạch sản xuất, điều chỉnh chi phí, chia sẻ rủi ro với đối tác và đặc biệt là nghiên cứu mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc vào một khu vực xuất khẩu duy nhất. 

90 ngày còn được coi như một bản “hòa ước” để Chính phủ có thời gian chuẩn bị dữ liệu, phân tích kịch bản để công tác đàm phán hiệu quả, đảm bảo lợi ích quốc gia và doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối thoại để hướng đến một giải pháp dài hạn, ổn định và bền vững hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Khoảng thời gian này các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải làm gì, thưa ông? 

Nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đều bình luận rằng, mức thuế đối ứng 46% mà Hoa Kỳ dự kiến áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là chủ yếu nhằm ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Các quốc gia phải chịu mức thuế cao đều có điểm chung là thặng dư thương mại với Mỹ tăng nhanh, trong khi năng lực sản xuất nội địa lại chưa tương thích. Vì vậy, điều thiết thực nhất lúc này là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường tuân thủ các quy định về xuất xứ, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu và gia tăng các mặt hàng có thể mua trực tiếp từ đối tác Hoa Kỳ, tiến tới đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Về phía Chính phủ, chúng tôi tin rằng tới đây sẽ có những hành động quyết liệt và nhất quán hơn trong việc xử lý các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng gian lận xuất xứ và trung chuyển bất hợp pháp. Việc thể hiện tinh thần cầu thị, chủ động và sẵn sàng hợp tác sẽ tiếp tục là điểm cộng, tạo nền tảng để Chính phủ đạt được thỏa thuận đàm phán với phía Hoa Kỳ thời gian sắp tới. 

Thêm vào đó, Việt Nam cần thể hiện thiện chí giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở các hợp tác đa phương và tuân thủ nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam và tránh các tình huống bất lợi khi đám phán với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Các đàm phán với Hoa Kỳ tới đây đồng thời phải chú ý đến phản ứng từ các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Chú thích ảnh
ảng quốc tế Gemalink trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: TTXVN

Nội lực và trợ lực

Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, nhưng để tìm thêm các giỏ khác cũng là điều vô cùng khó khăn. Ông có ý kiến gì và theo ông trong tương lai gần cần định hình một hướng đi nào cho doanh nghiệp? 

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì đến năm 2024 tăng lên đến 30%. Tốc độ tăng như vậy là rất nhanh chóng. Việt Nam cũng là quốc gia có được những lợi thế nhất định trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều này khiến chúng ta có phần nào chủ quan. 

Trong bối cảnh này, đa dạng hóa thị trường là điều cần tính đến, bên cạnh việc cố gắng giữ được thị trường Hoa Kỳ một cách tối đa. Xuất khẩu có thể chậm lại, do đó, khi chúng ta kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng thì phải thúc đẩy các động lực khác như đầu tư công hay tiêu dùng trong nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu mang lại những hiệu quả bước đầu. Với mạng lưới FTA rộng khắp như vậy, có thể nói thị trường quốc tế mở ra rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. 

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là bản thân hàng hóa Việt vẫn chưa thực sự sẵn sàng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường toàn cầu. Đặc biệt là ở các thị trường phát triển như châu Âu, nơi yêu cầu không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về yếu tố bền vững, trách nhiệm xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở các thị trường chưa có những yêu cầu quá cao như Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Đông. 

Hãy coi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại toàn cục thị trường, tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động đa dạng hóa thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để cạnh tranh về chất lượng lẫn giá cả sản phẩm.

Bước ra sân chơi quốc tế là phải chịu được va đập. Cú sốc này đi qua sẽ lại tiếp tục có những cú sốc khác. Nếu nói một câu ngắn gọn, Ban IV muốn nhắn gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu vào lúc này?

Chúng ta đang nhắc nhiều đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi hình dung kỷ nguyên vươn mình sẽ có 2 mục tiêu: (i) Trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và (ii) Cố gắng đạt Net-Zero vào năm 2050. Chúng ta không thể trở thành nước thu nhập cao, không thể vươn mình nếu thiếu những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Để có những con đại bàng Việt tự tin trên sân chơi quốc tế đòi hỏi những thay đổi trong mô hình tăng trưởng; trong nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân; trong thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Vươn ra toàn cầu là chuyện tất yếu để doanh nghiệp cất cánh, để đất nước vươn mình, do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội lực và nhà nước cần có sự trợ lực bằng chính sách.

“Vun bồi nội lực để tăng trưởng mạnh và bền vững” – đây là chủ đề trong báo cáo Niềm tin doanh nhân của Ban IV trong năm 2024. Tôi muốn dùng lại thông điệp này để gửi đến các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Thuế quan và những sự bất an trong lần khủng hoảng này đem lại cho chúng ta những bài học về phát triển doanh nghiệp và quốc gia. Điều quan trọng là chúng ta không được quên bài học này. Một kỷ nguyên mới được mở ra với những chuyển động chính sách mạnh mẽ sẽ tạo ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội để cởi bỏ “chiếc áo chật hẹp” trước đây, tự tin vươn lên và cạnh tranh toàn cầu. 

Trong dòng chảy thương mại toàn cầu đầy biến động, mọi doanh nghiệp – dù đến từ bất kỳ quốc gia nào – đều phải cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. Đây là một cuộc đua công bằng, nơi chỉ doanh nghiệp thực sự có nội lực, chiến lược phát triển rõ ràng, bền vững mới có thể bứt phá. Doanh nghiệp vun bồi nội lực - Nhà nước tạo dựng niềm tin và trợ lực, Việt Nam chắc chắn sẽ vươn mình.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân/TTXVN (thực hiện)
Thuế quan của Mỹ làm giảm lợi nhuận của ngành vận tải biển
Thuế quan của Mỹ làm giảm lợi nhuận của ngành vận tải biển

Công ty vận tải biển Mitsui O.S.K. Lines (Nhật Bản) ngày 30/4 dự đoán lợi nhuận ròng giảm 60% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026. Mitsui O.S.K. Lines công bố thông tin trên khi rủi ro đối với dòng hàng hóa toàn cầu do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên rõ ràng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN