Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lịch lấy nước đã được bố trí làm 3 đợt với tổng cộng 16 ngày. Từng đợt lấy nước được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và cơ bản phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương. Bởi vậy, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhằm nâng cao hiệu quả lấy nước, các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được các địa phương đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng. Các địa phương đã chủ động tổ chức vận hành sớm công trình để lấy nước trước đợt xả nước, đồng thời tích trữ trong các vùng trũng, ao hồ, hệ thống kênh mương để đưa nước lên ruộng trong thời gian giữa các đợt lấy nước.
Cùng với đó, một số công trình lấy nước được nâng cấp kịp đưa vào vận hành ở Thành phố Hà Nội (Trạm bơm Thanh Điềm), tỉnh Bắc Ninh (Trạm bơm Tri Phương) đã giải quyết khó khăn về nguồn nước cho huyện Mê Linh và khu vực Bắc Đuống.
Do đó, kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước là 503.235/506.558 ha, đạt 99,34%; trong đó, còn khoảng 145 ha của các huyện Hoài Đức và Thạch Thất (Thành phố Hà Nội) chưa đủ nước, được tiếp tục cấp nước bằng trạm bơm dã chiến.
Để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 2-3 ngày để dâng mực nước hạ du sông Hồng theo yêu cầu. Thực tế, dòng chảy trong các đợt lấy nước được duy trì cơ bản bảo đảm như yêu cầu, tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.
Cụ thể, trong đợt 1, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt trung bình 1,74 m, đủ điều kiện đẩy mặn cho các cống lấy nước vùng triều lấy nước thuận lợi. Đợt 2, dòng chảy hệ thống sông Hồng được duy trì ở mức cao nhất theo khả năng (các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện), mực nước trung bình cả đợt tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,9 m (đúng theo tính toán ban đầu) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.
Trong đợt 3, mực nước trung bình tại Trạm thủy văn Sơn Tây đạt 2,01 m (bảo đảm theo yêu cầu thấp nhất 1,8 m), các công trình đã được sửa chữa, nâng cấp và các trạm bơm dã chiến đủ điều kiện vận hành thuận lợi.
Thêm vào đó, trong thời gian từ đợt 2 đến đợt 3 lấy nước, khu vực Bắc Bộ đã có mưa. Các đợt mưa đã làm tăng dòng chảy cơ bản của hệ thống sông, bổ sung lượng nước ở ruộng, giúp tăng hiệu quả của công tác lấy nước ở các địa phương. Nhờ đó, sau đợt 2, nhiều tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cơ bản hoàn thành kế hoạch.
Tuy đạt kết quả lấy nước tốt, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo, tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp làm mực nước sông tiếp tục bị hạ thấp, ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.
Thực tế, trong toàn bộ 8 ngày lấy nước đợt 2, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã vận hành hết công suất phát điện, nhưng thời gian mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội chỉ đạt trung bình 1,9 m, cao nhất đạt 2,41 m.
Cũng bởi tình trạng hạ thấp mực nước trên hệ thống sông tiếp tục diễn biến nhanh, đặc biệt trên sông Đà, đoạn sông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, mực nước đã hạ thấp đột biến so với năm 2021 từ 1-1,5 m, dẫn đến Trạm bơm Trung Hà chỉ vận hành được từ 1-2/9 máy trong đợt 2. Trong khi đó, năm 2021 trạm bơm này vẫn đủ điều kiện vận hành.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi chưa được cải tạo, nâng cấp tiếp tục không đủ điều kiện vận hành, như: các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội); Long Tửu (Bắc Ninh) không thể vận hành lấy nước trong tất cả các đợt.
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Riêng thành phố Hà Nội cần đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ Đông Xuân 2021-2022; triển khai xây dựng khẩn cấp Trạm bơm dã chiến Liên Mạc, Trạm bơm dã chiến Trung Hà; đồng thời cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước thuộc thành phố để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác.
Hà Nội cũng cần rà soát, có kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi để lấy nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện và vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, tổ chức lấy nước sớm, phù hợp với kế hoạch lấy nước tập trung của toàn khu vực.