Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Đồng Nai đã đạt hơn 1 tỷ USD (vượt kế hoạch cả năm 2016). Các dự án mới vẫn tiếp tục gia tăng vào Đồng Nai với 53 dự án (đạt 394 triệu USD). Đồng thời, Đồng Nai cũng đón nhận thêm 616 triệu USD từ 42 dự án điều chỉnh vốn. Đây là con số mang ý nghĩa khẳng định chất lượng và hiệu quả đầu tư của các dự án FDI trên địa bàn Đồng Nai, đồng thời khẳng định sự tín nhiệm, tin tưởng của doanh nghiệp FDI với môi trường đầu tư của Đồng Nai sau nhiều năm hoạt động kinh doanh tại đây.
Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 2. |
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư với hơn 1,6 ngàn dự án đầu tư nước ngoài và tổng vốn đầu tư gần 29 tỷ USD như hiện nay, bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi về vị trí, về dân số và địa chất, Đồng Nai đã luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực cải cách hành chính và luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, nỗ lực của các Công ty hạ tầng đã góp phần quan trọng vào thành công của Đồng Nai.
Thực tế cho thấy, thành quả của Đồng Nai trong phát triển KCN không chỉ là con số về kết quả thu hút vốn mà còn là sự khẳng định thương hiệu địa phương, là uy tín của những Công ty hạ tầng tên tuổi như Sonadezi, Sonadezi Long Bình, Tín Nghĩa, Long Đức và khá nhiều KCN nổi tiếng như Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Long Thành, Amata, các KCN Nhơn Trạch... Có thể nói, giá trị thương hiệu của địa phương, của Công ty hạ tầng và các KCN như vậy là lợi thế quan trọng, tạo sức hút đối với các doanh nghiệp FDI.
Theo Công ty CP Sonadezi Long Bình (Sonadezi Long Bình), việc đầu tư các KCN ở vị trí thuận lợi là yếu tố hàng đầu quyết định thành công trong thu hút đầu tư. Tuy vậy, thương hiệu, kết quả thu hút đầu tư, chất lượng phục vụ của Công ty hạ tầng và tên tuổi, hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp hiện hữu trong KCN cũng là những yếu tố mà các doanh nghiệp FDI thường xem xét rất kỹ khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
Theo đó, với kinh nghiệm phát triển hạ tầng KCN và thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn như Hisamitsu, On Semiconductor, Fujitsu, Mabuchi, Cargill, Nestle, Taekwang Vina, C.P Group, Shell VN…, Sonadezi Long Bình đã hoàn thành việc lấp đầy các KCN Biên Hòa 2, Gò Dầu trong thời gian ngắn. Riêng KCN Xuân Lộc, mặc dù là một Khu công nghiệp có vị trí khá xa so với trung tâm thành phố Biên Hòa và giao thông còn hạn chế nhưng Sonadezi Long Bình cũng đã lấp đầy được 85% diện tích cho thuê. Hiện Sonadezi Long Bình đã thu hút được khoảng 3 tỷ USD vào các KCN.
Còn tại Tổng Công ty CP Phát triển KCN Sonadezi (Tổng Công ty Sonadezi), Công ty hạ tầng dẫn đầu tại Đồng Nai, cũng với sức hút từ thương hiệu, từ các KCN kiểu mẫu, hiện đại và vị trí thuận lợi, Sonadezi đã thu hút được 657 dự án DDI và FDI với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc Sonadezi phát triển các dịch vụ và lĩnh vực kinh doanh hạ tầng lên mức chuyên nghiệp, bài bản đã tạo ấn tượng tốt với các doanh nghiệp FDI.
Mới đây, nhằm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên hoạt động đúng lĩnh vực và triển khai dự án đầu tư có hiệu quả, Tổng Công ty Sonadezi đã quyết định “đổi chủ” cho KCN Thạnh Phú. Theo đó, Tổng Công ty Sonadezi đã đề nghị và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đổi chủ đầu tư dự án KCN Thạnh Phú từ Công ty CP Công trình Giao thông sang Công ty CP Sonadezi Long Bình.
Công ty Sonadezi Long Bình cho biết, việc tiếp nhận KCN Thạnh Phú sẽ giúp Công ty phát triển các KCN thuận lợi hơn. Bởi với vị trí nằm ngay cạnh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, KCN Thạnh Phú rất phù hợp để trở thành KCN “vệ tinh” cho các khách hàng tại các KCN của Sonadezi Long Bình, đặc biệt là KCN Biên Hòa 2 và một số KCN lân cận đã lấp đầy như KCN Amata, Loteco… đặt các dự án mở rộng. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Đồng Nai thu hút thêm dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu trên địa bàn cũng như các dự án mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, để tiếp tục thu hút vốn FDI và phát triển các KCN, hiện Đồng Nai đang tiến hành cải cách hành chính và minh bạch các thủ tục trong thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai chỉ cần liên hệ với bộ phận một cửa tại Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ được hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ. Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc có thể báo về Ban Quản lý các KCN tỉnh hoặc đăng ký gặp trực tiếp lãnh đạo để trao đổi tháo gỡ. Với những nỗ lực này cộng thêm các lợi thế về hạ tầng KCN, giao thông, địa lý, tin tưởng rằng từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với những dự án có vốn lớn.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư KCN, đại diện Công ty Sonadezi Long Bình cho biết: “Khi doanh nghiệp FDI đặt bút ký Hợp đồng thuê đất với Doanh nghiệp hạ tầng là khi họ quyết định chọn cho mình một nơi để đầu tư phát triển lâu dài, một người bạn đồng hành cùng họ trong chặng đường dài tới 50 năm và có thể là lâu hơn nữa. Vì vậy, trách nhiệm của Công ty hạ tầng không chỉ dừng ở việc tư vấn, hỗ trợ và cung cấp cho chủ đầu tư các dịch vụ đúng như cam kết mà quan trọng hơn là tạo ra cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, vững chắc, nhất là đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Do vậy, Sonadezi Long Bình luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Hiện công ty đã đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN với tổng công suất xử lý đạt 10.000 m3 và tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng. |