Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ngày 12/3) sẽ là nguồn động lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, tạo đà mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Bạn hàng tiềm năng Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm).
Năm 2014 đạt hơn 800 triệu USD, 2015 đạt hơn 700 triệu USD và năm 2016 đạt xấp xỉ 707 triệu USD (Việt Nam xuất 358 triệu USD và nhập 349 triệu USD).
Riêng năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand.
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Trong ảnh: Kho gạo của nhà máy Thoại Sơn của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
Đây là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, Hiệp định AANZFTA (ký ngày 27/2/2009, hiệu lực từ ngày 1/1/2010) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và New ZeaLand.
Ngoài ra, New Zealand cũng có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…
Theo các chuyên gia, thời gian qua Việt Nam và New Zealand đồng ý ưu tiên xem xét các yêu cầu tiếp cận thị trường đối với khoai tây (củ tươi dùng làm thương phẩm, củ giống), vẹm xanh của New Zealand và cá tra/basa, hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, chôm chôm, bưởi, vú sữa, nhãn của Việt Nam.
Hiện mới có xoài và thanh long là mặt hàng hoa quả tươi duy nhất của Việt Nam được xuất vào thị trường New Zealand. New Zealand dự kiến sẽ kết thúc quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với nhiều loại nông thủy sản của Việt Nam như chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi vào năm 2021.
Bên cạnh các lợi thế có được từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1/2010, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua, sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và các nước liên quan thông qua việc mở cửa thương mại hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và những mối liên kết gần gũi hơn thông qua giải quyết một loạt vấn đề.
Đặc biệt, Việt Nam và New Zealand cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác khác của ASEAN gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Đây sẽ là Hiệp định lớn nhất thế giới và giúp tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam và New Zealand từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân hai nước.
Hướng tới mục tiêu 1,7 tỷ USD Giới phân tích cho rằng, với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện và những đóng góp quan trọng trong thương mại dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch, dịch vụ tư vấn... khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2020 như mục tiêu mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Thủy sản của Việt Nam được thị trường New Zealand ưa chuộng. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước, việc đầu tiên và có tầm quan trọng hàng đầu là phải triển khai hiệu quả sự hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã đề ra trong Kế hoạch hành động 2017-2020.