Việt Nam và CHLB Đức có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã có chuyến thăm làm việc 5 ngày tại CHLB Đức.

Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức, 14 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Sau 50 năm hợp tác, mối quan hệ giữa hai bên đã không ngừng được củng cố, vun đắp và phát triển ngày càng tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. 

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Đức. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong các ngày từ 14-18/5, đoàn công tác đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm CHLB Đức; Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức; Liên minh Nông nghiệp Đức (GAA); Hiệp hội Nông nghiệp Đức; Gặp Chủ tịch Nghị viện bang Thüringen; Bộ trưởng Xã hội, Y tế, Lao động và Gia đình; Bộ trưởng Văn phòng Thủ hiến bang bang Thüringen cùng nhiều ban ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam làm việc với Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Điểm nhấn nổi bật trong chuyến thăm lần này là buổi tọa đàm kết nối thương mại nông - lâm - thủy sản Việt Nam - CHLB Đức do Thứ trưởng Trần Thanh Nam, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức và GAA đồng tổ chức. Ngoài thành phần đoàn Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của nhiều hội doanh nghiệp Việt Nam - CHLB Đức, hiệp hội, trường đào tạo nghề, kênh phân phối, chuỗi siêu thị của CHLB Đức và khoảng gần 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Đức đã tích cực thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như các quy định trong xuất nhập khẩu và kinh nghiệm xuất khẩu hàng rau quả, nông sản, thủy sản, sản phẩm thịt vào chuỗi siêu thị của CHLB Đức, đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mà hai bên ưu tiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã điểm lại những thành tựu kinh tế nói chung và lĩnh vực thương mại nông nghiệp nói riêng của Việt Nam và Đức, đánh giá cao tiềm năng hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và Đức về đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi sản xuất, nâng cao năng lực đào tạo gắn với thực hành, đồng thời những tiên tiến trong cơ giới hóa và chuyển đổi số.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đưa ra ba đề xuất. Một là các hiệp hội của CHLB Đức định kỳ hàng năm tổ chức cho các doanh nghiệp hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội phía Việt Nam để xúc tiến và quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của CHLB Đức. Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với phía hiệp hội của CHLB Đức để tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp tham gia tại các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông - lâm - thủy sản của Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu... tại thị trường CHLB Đức.

Hai là các hiệp hội ngành hàng nông sản của CHLB Đức và của Việt Nam thiết lập kênh liên kết thông qua hiệp hội với hiệp hội, tạo các nhóm doanh nghiệp liên kết theo chuỗi cung ứng (kho lạnh, bảo quản, vận chuyển, kho ngoại quan, kết nối kênh phân phối, siêu thị…) nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định theo chuỗi giá trị sản phẩm, vừa giúp giảm chi phí logistics, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Sau cùng là các doanh nghiệp của Việt Nam cần liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của CHLB Đức trong sản xuất, chế biến đáp ứng quy định, phù hợp thị hiếu thị trường để xuất khẩu vào kênh phân phối, siêu thị và cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại CHLB Đức.

Đại sứ Vũ Quang Minh, đồng chủ trì cuộc tọa đàm khẳng định sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước cùng với cả thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, gây khó khăn và xáo trộn lớn cho thương mại nói riêng và hợp tác kinh tế nói chung giữa các nước, cả về mặt song phương và đa phương, trong đó có những chính sách mới về thuế quan của Mỹ, cuộc xung đột tại Ukraine và các điểm nóng khác trên thế giới cũng như cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (lần lượt thứ hai từ bên phải), Đại sứ Vũ Quang Minh và Giám đốc Liên minh Nông nghiệp Đức, Tiến sĩ Per Brodersen đồng chủ trì buổi Tọa đàm kết nối thương mại Nông-Lâm-Thủy sản Việt Nam - CHLB Đức - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại sứ nhấn mạnh trong bối cảnh này, Đức và Việt Nam, hai đối tác chiến lược tin cậy càng cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt cùng có lợi, đặc biệt là về kinh tế - thương mại, trong đó nông nghiệp, thủy sản và môi trường là những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.                 

Liên quan đến vấn đề thuế quan, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đều đang nỗ lực đàm phán với Mỹ với thiện chí cao nhất. Tuy nhiên, theo Đại sứ, các bên đều phải chuẩn bị cho mọi phương án. Xét về cơ cấu kinh tế - thương mại, Việt Nam và Đức có tính bổ trợ rất cao và đây là một lợi thế để các bên tăng cường phối hợp chính sách, thúc đẩy hơn nữa thương mại hai chiều để tận dụng thế mạnh của thị trường hai nước, sẵn sàng tăng thị phần cho nhau để đối phó với mọi tình huống khó khăn và thách thức.

Nếu xét về cơ cấu xuất nhập khẩu, có thể thấy Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thị trường tiêu dùng quy mô và tiêu chuẩn cao, hiển nhiên có thể là một thị trường chiến lược thay thế số một của Việt Nam, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại nhiều ưu đãi thuế quan và hai nước có quan hệ tốt đẹp nhiều mặt, đặc biệt đang tiến tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Về phần mình Tiến sĩ Per Brodersen, Giám đốc GAA nồng nhiệt chào đón đoàn công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Tiến sĩ khẳng định nông nghiệp và thực phẩm không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế Đức, mà còn đối với cả toàn cầu.

Tiến sĩ Per Brodersen nói: “An ninh lương thực là mối quan tâm của tất cả chúng ta”. Khẩu hiệu, vừa là phương châm, vừa là tuyên bố của Liên minh Nông nghiệp Đức, sẽ phù hợp với cả thời điểm hiện tại và trong tương lai. Theo Tiến sĩ Per Brodersen, quan hệ nông nghiệp Đức - Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với tiềm năng hết sức to lớn, cả về sản lượng và hiệu quả, cũng như xuất khẩu và giá trị gia tăng. Tiến sĩ cho rằng việc đoàn Bộ Nông nghiệp và Môi trường của Việt Nam có cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Đức đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Trong các ngày làm việc tiếp theo tại thành phố Erfurt, bang Thüringen và Frankfurt, bang Hessen, đoàn đã có nhiều buổi gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan ban ngành liên quan đến lĩnh vực hợp tác nông nghiệp và đào tạo nghề. Đáng nói, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã ký kết 6 biên bản ghi nhớ với Trung tâm giáo dục và đào tạo nghề thành phố Erfurt, bang Thüringen.

Đoàn cũng đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức.

Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)
Việt Nam - Áo thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao
Việt Nam - Áo thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ châu Âu, ngày 16/5, Diễn đàn “Hợp tác Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Áo” đã diễn ra tại thủ đô Vienna với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu từ cả hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN