Giám đốc Phòng Hợp tác và Điều phối hoạt động khu vực Đông Nam Á (ADB) Alfredo Perdiguero trả lời phỏng vấn các cơ quan Thông tấn, báo chí chiều 13/3. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Chiều 13/3, tại Hà Nội, ông Alfredo Perdiguero, Trưởng Ban Hợp tác khu vực và Điều phối hoạt động thuộc Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và về những đóng góp từ phía Việt Nam với hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Ông có thể cho biết mục tiêu và những kết quả chính đã đạt được của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) là gì?Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng ra đời vào năm 1992 và năm 2017 kỉ niệm 25 năm thành lập. Đây là một trong những chương trình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á. Việt Nam gia nhập hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng trước khi trở thành thành viên của ASEAN. Mục đích của chương trình nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng bao gồm Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc. Các quốc gia đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua một chiến lược gồm 3 trụ cột bao gồm nâng cao khả năng kết nối, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao ý thức cộng đồng. Chương trình bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vào năm 1992, hầu như không có một kết nối nào giữa các quốc gia trong khu vực. Nhờ hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, các quốc gia đã được liên kết với nhau tốt hơn thông qua một hệ thống đường sá. Giao thông có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra những cơ hội mới, kích thích thương mại và đầu tư phát triển. Chương trình dành sự quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực năng lượng, du lịch, nông nghiệp và các yếu tố then chốt về phát triển môi trường bền vững.
Kết nối và giao thông cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng. Ông đánh giá kết quả các dự án hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng như thế nào, đặc biệt là các dự án ở Việt Nam?Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đây là một trong những dự án nổi bật của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến biên giới với Trung Quốc từ 7 giờ xuống còn khoảng 3 giờ. Qua đó, nó thúc đẩy trao đổi hàng hoá và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Những tuyến đường nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và Campuchia đã được nâng cấp hạ tầng tốt hơn.
Việt Nam là quốc gia duy nhất tham gia vào ba hành lang kinh tế của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, bao gồm hành lang Bắc – Nam kết nối Việt Nam và Trung Quốc; hành lang Đông - Tây kết nối Huế, Đà Nẵng với Lào, mở rộng sang Thái Lan và Myanmar; hành lang phía Nam kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Phnom Penh (Campuchia) và Bangkok (Thái Lan).
Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp từ phía Việt Nam với hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng?
Việt Nam là thành viên tích cực của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, đặc biệt trong việc đưa ra những sáng kiến và tham gia vào hầu hết những lĩnh vực của chương trình. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng chương trình này đã mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, mở ra nhiều cơ hội mới và kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Việt Nam sẽ trở thành chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng trong tháng 3 này. Vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết sâu sắc của Việt Nam với hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng. Về phía khối tư nhân, Việt Nam cũng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình khi giúp các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này. Tôi rất vui mừng và đánh giá cao khi được biết Thủ tướng các bạn đã quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, nhằm tạo nên diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi các vấn đề liên quan đến đến năng lượng, ý tưởng mới và tài chính.
Là một trong những đối tác lớn của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên hợp tác, đầu tư vào lĩnh nào nhằm góp phần phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê Công mở rộng, thưa ông?
Ngân hàng Phát triển châu Á đã hỗ trợ các chương trình, dự án của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng từ những ngày đầu. Chúng tôi đã chi khoảng 7 tỷ USD bên cạnh sự đóng góp quan trọng khác từ các đối tác và chính phủ các nước thành viên.
Nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo, Kế hoạch hành động Sáng kiến Hà Nội sẽ chỉ ra những việc cần làm trong 5 năm tới và bên cạnh đó là danh sách các dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, thể hiện những tham vọng lớn lao. Như vậy, thách thức lớn nhất là làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của chính quyền địa phương và khối tư nhân. Họ có thể làm tốt hơn trong việc đưa ra ý tưởng và hoạch định tài chính nhằm đóng góp cho sự phát triển của hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Trân trọng cảm ơn ông!