Việt Nam sẵn sàng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư

Việt Nam quyết tâm chuyển mình từ vị thế một nước tiêu dùng sang một nước cung cấp các công nghệ, dịch vụ tương lai, sẵn sàng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Toàn thể phiên họp.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phạm Đại Dương, tại Hội nghị giao lưu khoa học Việt Nam - Nhật bản VJSE2017 với chủ đề “Kết nối con người, định hướng tương lai”được tổ chức vào trung tuần tháng Chín tại đại học Shibaura, Tokyo, Nhật Bản. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Hội nghị VJSE2017 thu hút hơn 230 người tham gia, đến từ năm nước trên thế giới bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, và Australia. Trong phạm vi Nhật Bản, với hơn 200 người đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu chủ chốt, VJSE2017 là dịp để cộng đồng những nhà nghiên cứu và sinh viên người Việt tại Nhật Bản gặp gỡ và kết nối, qua đó tăng cường hợp tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu chào mừng tại buổi khai mạc, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đặc biệt đề cao và kì vọng vai trò của những nhà khoa học trẻ trong việc định hình tương lai của đất nước cũng như tương lai của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Nhật. Trong bài phát biểu phiên toàn thể, Thứ trưởng Phạm Đại Dương đã nêu rõ quyết tâm và chính sách của Việt Nam nhằm chuyển mình từ vị thế một nước tiêu dùng sang một nước cung cấp các công nghệ, dịch vụ tương lai, nhằm sẵn sàng đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài trong sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước, khẳng định sự ủng hộ của bộ Khoa học và Công nghệ cho các hoạt động kết nối cộng đồng quan trọng như VJSE đã và đang làm.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường phát biểu.

Cuối phiên phát biểu toàn thể, Giáo sư Masato Murakami, hiệu trưởng trường đại học Shibaura, đã có bài phát biểu đặt ra nhiều vấn đề thú vị cho xã hội con người trước sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính, đồng thời khẳng định niềm tin vào sự sáng tạo và linh hoạt, hai tố chất tạo nên khác biệt giữa con người và máy móc. Các bài phát biểu tổng quan từ các khách mời đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người tham gia, trong đó đa phần là các nhà khoa học trẻ.

Chất lượng báo cáo khoa học của VJSE2017 đặc biệt được đánh giá cao, tập trung vào hai lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Các bài báo cáo khoa học của hội nghị được chia thành tám phiên báo cáo chuyên đề và một triển lãm poster, gồm về các mảng chính công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh, khoa học ứng dụng, khoa học vật liệu Nano/Micro, môi trường xây dựng, khoa học xã hội và nhân văn.  

Hai đơn vị đồng tổ chức VJSE2017 là hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và Mạng lưới nghiên cứu học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ). Đây là lần thứ 10 VJSE được tổ chức, tiếp nối các hội nghị đã diễn ra tại Osaka, Kobe, Kyoto, Tokyo, và Fukuoka. Thành công của hội thảo là một sự khích lệ rất lớn đối với cộng đồng tri thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản. VJSE được đánh giá là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng nghiên cứu Việt ở trong nước và tại Nhật Bản.
 
Tin, ảnh: Nguyễn Tuyến (phóng viên TTXVN tại Tokyo)
Doanh nghiệp đứng trước thách thức hay cơ hội với công nghiệp 4.0
Doanh nghiệp đứng trước thách thức hay cơ hội với công nghiệp 4.0

Đây là chủ đề chính của Hội thảo CNTT-TT Việt Nam sẽ được diễn ra vào ngày 19 – 20/9/2017 với sự tham gia của các cơ quan quản lý và các trường, viện, doanh nghiệp từ đó trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến giải pháp để xây dựng một thành phố thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN