Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia thứ 2 thế giới về sản xuất đồ nội thất

Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang xác lập vị thế mới, hướng tới trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới và là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản xuất đồ nội thất.

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA, CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam" do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 7/12.

Chú thích ảnh
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới. Với làn sóng đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa, trang bị quy trình quản lý bằng công nghệ thông tin kết hợp đầu tư cho công tác thiết kế, thương hiệu, đào tạo quản trị được các doanh nghiệp thực hiện trong thời gian qua, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ được cải thiện rõ rệt. Với những tiềm lực phát triển như hiện nay, trong 7-8 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản xuất đồ nội thất.

Chia sẻ về cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam với sự đồng hành của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, xung đột thương mại Mỹ - Trung và sự hợp tác giữa các quốc gia thông qua EVFTA và CPTPP có một điểm chung, đó là đều có khả năng gây tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12/11, đến ngày 15/11, tại Papua New Guinea, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã thông báo cho Chính phủ New Zealand về việc Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chính thức mở ra các thị trường mới đối với Việt Nam là Mexico, Canada và Peru. Nếu việc phê chuẩn, Hiệp định EVFTA có thể diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì đây cũng sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng đối với ngành.

Ông Trần Quốc Khánh nhận định, một ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả và chất lượng, đáp ứng được quy tắc xuất xứ Việt Nam, nói không với các hành vi "lẩn tránh", thực sự quan tâm đến người tiêu dùng, đáp ứng được yêu cầu của thời đại về bảo vệ môi trường, nói không với gỗ bất hợp pháp chắc chắn sẽ là một ngành có thể phát triển mạnh trong dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam dự kiến đạt trên 9 tỷ USD trong năm 2018. Gỗ và đồ nội thất đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 6 tại Việt Nam, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, đứng thứ 2 ở châu Á, thứ 5 trên thế giới. Để phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phải có sự thay đổi mạnh mẽ để đón nhận sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam.

Trong khi đó, ông Tim Liston, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, với tình hình leo thang của thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho hàng hóa; trong đó, có sản phẩm từ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại có cơ hội phát triển lớn.

Để phát huy các lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, ngoài thế mạnh đến từ xác hiệp định thương mại trong khu vực, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc làm ăn tại thị trường Mỹ. Đồng thời, thận trọng với vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hoá của các doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm gỗ Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC Phạm Phú Ngọc Trai, để trở thành một trung tâm nội thất của thế giới, ngành chế biến gỗ Việt Nam phải thực hiện hoàn thành các cấu phần gồm: đảm bảo tuân thủ gỗ hợp pháp, tập trung đào tạo nhân lực cho ngành gỗ, xây dựng Viện thiết kế nội thất như là một đơn vị kinh tế độc lập, tiến tới xây dựng trung tâm triển lãm nội thất quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu gỗ quốc gia và thương hiệu gỗ của doanh nghiệp, phát triển các kênh phân phối thương mại và đầu tư phát triển công nghệ, cơ khí và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)
Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ
Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 7 tháng của năm đạt 5,025 tỷ USD, tương đương gần 56% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN