Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) phối hợp tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự sự kiện có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, đại diện các đơn vị trong Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này tại Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, có đại diện của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), các doanh nghiệp số, hiệp hội, trường đại học…
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, và đầu tư của Việt Nam sang Nhật Bản cũng có xu hướng gia tăng. Trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam dàn trải trong nhiều ngành, nghề khác nhau, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản lại tập trung phần lớn trong lĩnh vực CNTT.
Theo Đại sứ, CNTT là một trong những ngành nghề có các doanh nghiệp đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản sớm nhất và đạt được nhiều thành công nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, với nhiều doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam mở chi nhánh trên khắp nước Nhật, và nhiều doanh nghiệp CNTT được thành lập mới tại Nhật Bản. Tuy nhiên, so với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, số lượng người làm việc trong lĩnh vực CNTT còn ít (khoảng 6.000 kỹ sư, chiếm 1%), chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực CNTT của các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và cả thị trường CNTT Nhật Bản nói chung.
Đại sứ cho biết thêm Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan) với nòng cốt là các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác chuyển đổi số giữa hai nước, đóng góp vào phát triển kinh tế và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. VADX phấn đấu đạt mục tiêu tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản đạt 1.000 tỷ yen (7 tỷ USD) đến năm 2033 và xây dựng đội ngũ hàng chục nghìn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật Bản, qua đó góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT và là đối tác toàn diện cho phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản.
Với dự báo nhu cầu CNTT của Nhật Bản sẽ còn rất lớn và ngày càng mở rộng, Đại sứ cho rằng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và tham gia sâu hơn nữa vào ngành công nghiệp số của Nhật Bản.
Đại sứ bày tỏ mong muốn qua các diễn đàn CNTT như sự kiện Vietnam IT Day 2024, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội trao đổi hợp tác, hình thành liên minh chiến lược cho tiến trình chuyển đổi số của Nhật Bản, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế, hợp tác hữu nghị và thịnh vượng của hai nước.
Hội thảo lắng nghe tham luận đến từ các đại diện của JETRO, JISA, Cục Hợp tác quốc tế của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản, giới thiệu các chủ trương, chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm, đưa ra các đề xuất liên quan đến CNTT.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN bên lề hội nghị, ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Quốc tế thuộc JISA cho rằng Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT, là nhà cung cấp đơn hàng lớn thứ hai cho Nhật Bản sau Trung Quốc. Theo ông, đối với vấn đề chuyển đổi số hiện đang tăng lên tại Nhật Bản, kỳ vọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đang trở nên rất lớn. Ông dự đoán sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ ngày càng mở rộng.
Đề cập đến hoạt động chuyển đổi số, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực, tập trung nhiều nguồn lực vào chuyển đổi số trong nước và đây là lĩnh vực mà Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam.
Với tư cách là Giám đốc điều hành Ban Chiến lược kinh doanh của công ty NTT Data, ông cho biết công ty đã vào thị trường Việt Nam từ những năm 2000, cung cấp dịch vụ CNTT cho các công ty Nhật Bản và Việt Nam tại Việt Nam. Khoảng mười năm trước, NTT Data đã đầu tư vào một công ty Việt Nam có tên là Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion), một công ty thanh toán lớn tại Việt Nam. Ông cho biết sản phẩm chủ lực là ví điện tử Payoo của VietUnion đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán. NTT Data cũng đang đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Theo ông, trong tương lai, việc sử dụng dữ liệu, phân tích dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiến triển tại Việt Nam, do đó nhu cầu về các trung tâm dữ liệu cũng sẽ lan rộng. Vì vậy, NTT Data muốn xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.
Đánh giá về các lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, ông đã nêu lên các yếu tố, trong đó có việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực đầu tư vào công nghệ số để giúp ngành CNTT là một trong những ngành triển vọng nhất của Việt Nam, thu hút thêm đầu tư vào ngành đầy tiềm năng này. Lợi thế lớn thứ hai của Việt Nam là nguồn nhân lực với nhiều kỹ sư CNTT. Ngoài ra, Việt Nam có dân số rất trẻ, vì vậy về mặt sử dụng công nghệ số, doanh thu từ điện thoại thông minh và mạng Internet cũng như mạng xã hội rất cao. Ông tin tưởng trong tương lai Việt Nam sẽ là một quốc gia rất triển vọng trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số ở Đông Nam Á.
Ông đề xuất Việt Nam cần chú trọng đến việc phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện và giao thông. Theo ông, cả chính phủ và khu vực tư nhân sẽ đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng, và đó là điều các doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng Việt Nam sẽ làm được.
Cùng chung quan điểm với ông Junya Kawamoto, khi đánh giá về lợi thế của Việt Nam, ông Shimojuu Mitsufumi, Giám đốc Giải pháp tài chính và điện toán đám mây (Japan technology software) cũng cho rằng nhân lực là lợi thế lớn của Việt Nam. Ông đánh giá, các kỹ sư Việt Nam rất hay tìm tòi, nắm bắt nhanh chóng các công nghệ mới và đưa ra sáng kiến để cải thiện năng suất. Theo ông, các kỹ sư trẻ làm việc chăm chỉ với niềm đam mê. Đây là một lợi thế rất tốt mà ông muốn các kỹ sư giỏi người Nhật Bản noi theo.
Ông cho rằng một điểm cần lưu ý là các công ty Việt Nam có xu hướng hơi vội vàng để thành công, vì vậy ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên từ tốn hơn, và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản để có thể xây dựng một mối quan hệ hiệu quả hơn.
Trước đó, đề cập đến ưu thế của Việt Nam về nguồn nhân lực CNTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra rằng lực lượng lao động trong ngành công nghệ số tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người, trong đó có gần 700.000 người là kỹ sư điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số… Bộ trưởng đánh giá Nhật Bản cũng đã nhờ vào điện tử, CNTT để trở thành nước phát triển như ngày hôm nay, đồng thời dự đoán rằng Nhật Bản cần dựa vào lĩnh vực này khoảng 20 hoặc 30 năm nữa để tiếp tục vươn lên và lấy lại nhịp tăng trưởng. Thế nhưng Nhật Bản rơi vào bài toán khó với vấn đề thiếu nhân lực trầm trọng.
Vì vậy, Bộ trưởng đánh giá Việt Nam chính là một lời giải cho bài toán này, do nhân lực Việt Nam được đánh giá cao trong lĩnh vực công nghệ, toán học và kỹ thuật. Bộ trưởng cho biết số lượng học sinh, sinh viên học CNTT trong nước những năm gần đây tăng đáng kể, với khoảng hơn 80.000 sinh viên đăng ký mỗi năm trong chỉ riêng ngành điện tử, viễn thông và CNTT. Theo Bộ trưởng, trong sự hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản, bên cạnh sự tin tưởng lẫn nhau còn có sự bù đắp cho nhau rất tốt với việc đặc tính của người Nhật Bản là tỉ mỉ, trong khi người Việt Nam linh hoạt, thích nghi nhanh với việc đổi mới. Bộ trưởng tin tưởng nếu kết hợp được những ưu điểm của mỗi bên, tận dụng được sức mạnh của nhau thì sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý không chỉ giới thiệu và đưa lao động CNTT Việt Nam ra nước ngoài, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cần thu hút những nhân lực người Việt Nam có trình độ cao từ nước ngoài về làm cho ngành CNTT trong nước. Chẳng hạn như Tập đoàn Viettel hiện đã thu hút được hơn 100 nhân lực Việt Nam từ nước ngoài về làm việc và khoảng 10 người làm trong lĩnh vực AI. Đây là hoạt động hai chiều, vừa cung cấp nhân lực cho nước ngoài, đồng thời mời nhưng nhân lực có bề dày kinh nghiệm trong ngành này về nước làm việc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những cách để Nhật Bản nhận thức được những thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT là đưa các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đến Nhật Bản. Năm nay là năm thứ 3 Bộ TT&TT dẫn đầu việc đưa doanh nghiệp CNTT Việt Nam ra nước ngoài, dẫn đầu làn sóng mạnh mẽ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam mở văn phòng đại diện, lập công ty ở nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh để thế giới biết đến Việt Nam thì Việt Nam phải đến với thế giới, và CNTT là con đường hiệu quả nhất, đem lại lợi ích doanh thu và lợi nhuận tăng cao.
Đề cập đến vai trò của VADX Japan do của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản bảo trợ thành lập, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là điểm tựa để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt Nam mới lần đầu bước vào thị trường CNTT của Nhật Bản. Việt Nam ngoài phát triển trong nước thì cũng cần thị trường quốc tế, công việc có mức lương tốt, đi nước ngoài để có năng lực cạnh tranh và về làm tốt hơn ở trong nước. Bộ trưởng nhấn mạnh Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay ở một giai đoạn rất đặc biệt của quá trình đưa doanh nghiệp CNTT Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.
Hội thảo bế mạc với lễ ra mắt VADX Japan và hoạt động ký kết biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.