Việt Nam - Điểm đến quan trọng của doanh nghiệp Canada

Cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là nước thành viên đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà các doanh nghiệp Canada cần nghĩ đến khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư tài chính, năng lượng sạch, thương mại nông sản và thực phẩm... Canada cần mở rộng sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước ASEAN, mà trong đó Việt Nam là điểm đến quan trọng. 

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu. Ảnh (tư liệu) minh họa: Quốc Việt/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, đó là nhận định của ông Jean Charest, nguyên Phó Thủ tướng Canada, nguyên Thủ hiến Quebec, tại Diễn đàn “Hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trong bối cảnh mới” do Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Canada phối hợp với Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam đồng tổ chức mới đây. 

Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Theo số liệu thống kê của Canada, trong năm ngoái, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Canada và Việt Nam đạt 10,5 tỷ CAD, tăng từ mức 8,9 tỷ CAD trong năm 2020. Chính phủ Canada xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam gồm nông nghiệp, chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sạch, hàng không vũ trụ và khoa học đời sống. Việt Nam cũng có lợi thế lớn khi là nước duy nhất trong ASEAN có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada và Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế (JEC) giữa Việt Nam và Canada.

Bà Trần Thu Quỳnh, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, khuyến nghị rằng các cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của hai nước cần chung tay hợp tác, phối hợp nguồn lực để giúp các doanh nghiệp nhận rõ các cơ hội, tận dụng các cơ chế hợp tác để nâng quy mô và vươn ra thế giới. Bà nhấn mạnh tính bổ trợ cho nhau của hai nền kinh tế Canada và Việt Nam, đồng thời cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khai thác tốt hơn các cơ chế hợp tác hiện có để tối ưu hoá chiến lược mua hàng, chiến lược nhãn hiệu và chiến lược đầu tư, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất giữa hai nước.

Hiện nay, Việt Nam có ưu thế hơn các đối tác khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với những “điểm cộng” như tăng trưởng kinh tế ổn định và ở mức khá cao; lạm phát tương đối thấp; và các cân đối vĩ mô khả quan. Đây là thời điểm Việt Nam cần tích cực vận động để lôi cuốn các nhà đầu tư Canada, nhất là các quỹ đầu tư đang rất cần chuyển hướng từ các địa bàn lạm phát cao.

Còn theo bà Julie Nguyễn, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, việc thành lập Cánh cửa thương mại vào ASEAN, Văn phòng Nông nghiệp và thương mại nông nghiệp Canada và khoản ngân sách của Chính phủ Canada dành cho các đoàn xúc tiến đầu tư kinh doanh của Canada sẽ là những cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp Canada có kế hoạch mở rộng hoạt động tại ASEAN và Việt Nam.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Canada tin tưởng rằng với nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của hai nước như hiện nay, doanh nghiệp và người lao động của cả Canada và Việt Nam sẽ được hưởng lợi tốt hơn từ chuỗi cung ứng mới và đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp Canada đã thành lập văn phòng và cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tận dụng lợi thế của một đất nước ngày càng nổi bật trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hương Giang (TTXVN)
70% khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á
70% khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á

Theo Tổng cục Du lịch, tháng 11/2022, Việt Nam đón 569,9 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Lượng khách nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, các thị trường châu Âu, Ấn Độ tăng trưởng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN