Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á

Ngày 5/10, trang spglobal.com của hãng phân tích thị trường toàn cầu S&P có trụ sở tại Mỹ đăng bài viết đưa ra những chỉ dấu cho thấy trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á.

Chú thích ảnh
Theo S&P, trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận một số động lực tăng trưởng chính. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo S&P, trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận một số động lực tăng trưởng chính. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí nhân công sản xuất tương đối thấp.

Việt Nam có lực lượng lao động khá dồi dào và được đào tạo tốt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, chi tiêu vốn dự kiến sẽ tăng cao khi các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam và Việt Nam cũng đẩy mạnh chi tiêu cho hạ tầng trong nước. Dự kiến, lĩnh vực hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao trong thập niên tới.

S&P đánh giá các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm thiểu rủi ro do nguồn cung gián đoạn trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản lựa chọn chuyển dịch sản xuất sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo S&P, về triển vọng trung hạn, Việt Nam có nhiều động lực tích cực, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP bình quân đầu người của Việt Nam. Từ năm 2024-2026, nền kinh tế của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhanh.

Với dự báo tăng trưởng kinh tế cao trong thập niên tới, tổng GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng từ 410 tỷ USD trong năm 2022 lên 500 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 750 tỷ USD vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, từ 4.150 USD/năm trong năm 2022 lên 5.000 USD/năm vào năm 2025 và 7.300 USD/năm vào năm 2030, từ đó sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

S&P cho rằng vai trò của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất chi phí thấp cũng sẽ tiếp tục được nâng cao khi các ngành công nghiệp chủ lực hiện nay tăng trưởng hơn nữa, nhất là ngành dệt may và điện tử. Các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu cũng trên đà phát triển.

Thọ Anh (TTXVN)
S&P Global: Chỉ số PMI tháng 3 của Việt Nam giảm 3,5 điểm
S&P Global: Chỉ số PMI tháng 3 của Việt Nam giảm 3,5 điểm

Sau khi có những dấu hiệu phục hồi trong tháng trước, ngành sản xuất của Việt Nam đã có một bước lùi trong tháng 3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN