Sự kiện lớn này được tổ chức trở lại lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, đã thu hút khoảng 950 doanh nghiệp từ 35 nước trên thế giới và Việt Nam là 1 trong 9 nước có gian hàng quốc gia riêng.
Với sự hỗ trợ của Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta đã đem tới hội chợ triển lãm lần này nhiều mặt hàng đồ chơi, quà tặng, vật dụng gia đình được sản xuất thủ công từ chất liệu cói, mây, tre, len, gốm.
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình 9,5%/năm, hiện đạt khoảng 2,2 tỷ USD/năm, thuộc nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của nước ta, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lợi thế lớn của hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là có giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi chi phí đầu tư nhỏ về hạ tầng nhà xưởng, đặc biệt là khai thác hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn. Riêng 8 doanh nghiệp tham dự triển lãm “NY Now” đã tạo việc làm cho trên 7.000 lao động làm việc tại nhà.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã tới tham dự hội chợ và chúc mừng các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại Hội chợ đã sớm bắt nhịp với thị trường sôi động của New York sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Đại sứ mong Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ làm tốt vai trò cầu nối để hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tăng nhanh thị phần tại Mỹ, góp phần tạo việc làm, xóa nghèo tại các vùng nông thôn và phát triển bền vững cho Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả.
Hội chợ triển lãm thương mại “NY Now” diễn ra mỗi năm hai lần vào mùa Hè và mùa Đông, vừa được nối lại sau 2 năm tạm ngừng do đại dịch COVID-19. Năm nay, hội chợ diễn ra từ 14 - 17/8, là cơ hội cho các nhà thiết kế, sản xuất, bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ nhiều nước giới thiệu, tặng quà lưu niệm, ký hợp đồng giao dịch với khách hàng tiềm năng hoặc quảng bá thương mại dưới hình thức trình diễn hoặc tọa đàm chuyên gia về xu thế tiêu dùng, kinh nghiệm khởi nghiệp, bí quyết kinh doanh.
Trong khuôn khổ hội chợ trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Bá Ngọc và Đại sứ Đặng Hoàng Giang. Đánh giá về gian hàng quốc gia của nước ta tại hội chợ lần này và tiềm năng thị trường Mỹ đối với hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng sau hai năm bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, hội chợ năm nay của New York có chủ đề là các mặt hàng thủ công, quà tặng và Việt Nam đã đưa sang New York rất nhiều công ty với các mặt hàng, sản phẩm hết sức ấn tượng, có quy mô, có chất lượng, rất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ.
Nguyên liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm là các nguyên liệu thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ khẳng định trong thời gian tới, các bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp để có các chiến lược một cách dài hạn, bài bản đưa các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam, nhất là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đến với người tiêu dùng Mỹ và điều này đòi hỏi sự hỗ trợ, hợp tác hết sức chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước. Với chủ trương ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao lấy người dân, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, các cơ quan ngoại giao tại Mỹ sẵn sàng thúc đẩy, đồng hành với các doanh nghiệp, các bộ ngành để triển khai các mục tiêu này.
Trong khi đó, đề cập đến những mong muốn tại Hội chợ “NY Now”, ông Lê Bá Ngọc cho hay Mỹ là thị trường rất lớn đối với ngành thủ công, mỹ nghệ Việt Nam. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 800 triệu USD hàng thủ công, mỹ nghệ Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, khoảng 15 - 18%/năm. Trong những năm qua, Việt Nam phải đối mặt với dịch COVID-19 nên đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp của nước ta trở lại thị trường.
Về nét đặc sắc của sản phẩm Việt Nam khi tham gia vào một thị trường cạnh tranh như Mỹ, ông Lê Bá Ngọc nêu rõ Việt Nam định hình con đường cạnh tranh rất khác so với các nhà cung cấp khác trên toàn cầu với hai thông điệp chính: sáng tạo và bền vững. Liên hợp quốc (LHQ) đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và đó là những tiêu chí mà Việt Nam muốn theo đuổi, muốn truyền tải thông điệp đến khách hàng Mỹ rằng nước ta luôn đi theo con đường phát triển bền vững và sức sáng tạo của người Việt Nam có thể chinh phục được các khách hàng khó tính của Mỹ.