Thưa bà, cung và cầu đang có xu hướng phục hồi tích cực, như vậy có thể hy vọng những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện hơn?
Nhìn về phía cầu, cả 3 yếu tố gồm: Tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất - nhập khẩu hàng hóa đều phục hồi. Cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong các tháng 7 - 8/2023 khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.
Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tích cực. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm nay đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế.
Từ phía cung, hoạt động sản xuất cũng duy trì mức tăng trưởng ở cả 3 khu vực, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực kể từ tháng 5/2023 đến nay.
Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng của năm, kể từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (89.899 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, dù Quốc hội, Chính phủ có rất nhiều giải pháp được triển khai nhằm vực dậy khu vực doanh nghiệp sau mấy năm vì COVID-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút nên kinh tế trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức.
Một số hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục vẫn đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; vấn đề về tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp; chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu...
Nhiều dự báo được các tổ chức quốc tế đưa ra gần đây cho thấy những tháng cuối năm tình hình thế giới còn những bất định; những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu chưa thực sự rõ nét. Hơn nữa, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng.
Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,1%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cùng với việc nhiều quốc gia đã nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu cũng sụt giảm.
Theo đó, hoạt động thương mại quốc tế vẫn suy giảm dù tình hình có khả quan hơn so với nửa đầu năm 2023. Điều này có nghĩa rằng Việt Nam vẫn phải cẩn trọng với những “cơn gió ngược” từ thế giới.
Bà dự báo ra sao về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm?
Một số yếu tố được xác định đóng góp tích vực vào tăng trưởng những tháng cuối năm là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ ngày 1/7. Chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; ngành du lịch sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; đầu tư công được đẩy mạnh, tạo tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường tiềm năng, và đặc biệt niềm tin của doanh nghiệp về xu hướng kinh doanh những quý sau đã tốt hơn quý trước.
Nói như vậy nhưng không có nghĩa tình hình trong nước chỉ toàn "màu hồng". Khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như chi phí sản xuất đầu vào tăng cao trong khi thị trường lao động gặp khó khăn…
Để duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực như thời gian qua, kinh tế Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" là: Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.
Để kích cầu tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Theo đó, cần thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm giá hàng hóa, điều chỉnh tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân… nhằm đẩy mạnh sức mua trong nước.
Động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm là đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ được tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, nhiều ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp như: Xây dựng, giao thông vận tải, ngành sản xuất vật liệu xây dựng...
Để thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo cho thấy, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt tại Mỹ giảm đáng kể trong thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về phía Chính phủ, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xúc tiến thương mại hiệu quả...; tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước; nghiên cứu thị trường trong nước, thực trạng, cơ cấu sản xuất, sản phẩm hiện nay, từ đó có thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong đó, thu hút dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Tôi tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn bà!