Trên 4,5 triệu hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo
Được triển khai thực hiện từ tháng 10/2002 đến nay, sau 15 năm, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được những kết quả nổi bật: giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm từ chương trình giải quyết việc làm cho hơn 3,3 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Chương trình hộ nghèo, gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, Hà Giang có điều kiện chăn nuôi lợn, chăm sóc 2ha đồi chè, cuộc sống gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Kết quả trên có vai trò quan trọng của các hội, đoàn thể, nhất là trong việc nhận ủy thác nguồn vốn. Điều đó không chỉ góp phần làm tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách mà còn huy động và khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội thiết thực.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), khi nghiên cứu đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và đối tượng chính sách, khoảng 70-80% là nông dân, hội viên Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...
"Khi các tổ chức chính trị, xã hội tham gia thì chính sách tín dụng sẽ đạt được các yêu cầu: vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa", ông Lý cho biết.
Thực tế, 15 năm hoạt động của NHCSXH, đến nay, NHCSXH có tới 98,5% người vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị, xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Bốn tổ chức này thành lập các tổ, nhóm và xây dựng mạng lưới ở dưới. Gần như toàn bộ vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao.
"Qua nhiều năm hoạt động phục vụ người nghèo, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ thu hồi vốn của NHCSXH đạt 99,4%. Vốn mất chủ yếu là do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn và các rủi ro khác", ông Lý cho hay.
Giám sát việc sử dụng vốn hiệu quả hơn
Đại diện các tổ chức hội, đoàn thể cũng rất nhiệt tình tham gia chính sách tín dụng cho người nghèo. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, 4 tổ chức đoàn thể này đã gắn chặt, đồng hành với NHCSXH trong suốt thời gian qua. Khi thực hiện ủy thác, các hội, đoàn thể phát huy tích cực trách nhiệm, vai trò của mình, coi đây là mục tiêu, mục đích của mình.
"Riêng với Hội Nông dân, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ tổ… khoảng hơn 300.000 người. Một năm thực hiện vài chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ, hội vay. Đến nay chỉ còn 1,7% tổ yếu. Ủy thác qua Hội nông dân nợ quá hạn từ 4,11% năm 2004 đến tháng 8/2017 chỉ còn 0,39%. Đây thực sự là kết quả tuyệt vời", ông Thắng cho biết.
Buổi tọa đàm về vai trò của Hội, đoàn thể trong thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo. |
Còn bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cho biết: Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò là đại diện cho các tầng lớp phụ nữ để đoàn kết, vận động tổ chức và hướng dẫn phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giao cho. Trong đó, có các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hội đã phát huy được rất nhiều chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Phụ nữ, như chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Hội viên là phụ nữ; thực hiện các chức năng về giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các tín dụng chính sách như phương thức ủy thác cho vay thông qua tổ chức xã hội.
Qua Hội, NHCSXH đã phát huy được các điểm mạnh là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn theo quy định. Ngược lại, tổ chức Hội có được thế mạnh bằng việc hình thành mạng lưới rộng lớn khắp 4 cấp ở tất cả các tỉnh, thành, góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách, giúp hướng dẫn, giám sát việc sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
Bà Hà cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động để hỗ trợ hội viên, thành viên vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả thông qua việc khuyến khích, động viên các hội viên phụ nữ, đặc biệt là những người trên 35 tuổi tham gia vào các khóa tập huấn về quản lý, giáo dục tài chính trong gia đình cũng như các khóa đào tạo học nghề cho phụ nữ. Chúng tôi cũng thành lập các hội mô hình kinh tế tập thể như Hợp tác xã hay tổ hợp tác…".
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là người tham gia tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cũng là đại diện cơ quan giám sát và xây dựng chính sách về lĩnh vực này. Ông Lợi cho biết: "Khi triển khai Chương trình vốn vay quốc gia giải quyết việc làm, nhất là ở địa phương, chúng tôi đã hình dung ra các tổ chức chính trị xã hội có vai trò quan trọng trong việc cho vay vốn hiệu quả; thực hiện cho vay bằng hình thức phân bổ nguồn vốn cho các đoàn thể. Tiếp đó, các đoàn thể lựa chọn các hộ tiêu biểu, tích cực và những người có kinh nghiệm trong sản xuất được vay vốn theo Chương trình quốc gia, từ đó tạo việc làm cho hội viên của mình. Đây chính là sự kết nối và phát triển bền vững cả về mặt xã hội, chính trị lẫn tổ chức Hội".
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, tổ chức hội, đoàn thể là “cầu nối” nhưng không chỉ là cầu nối dẫn chuyền vốn của NHCSXH đến với các hội viên, thành viên của mình. Đây là địa chỉ tin cậy giúp các hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả. Các tổ chức này định hướng hội viên vay vốn biết cách quản lý đồng vốn, cũng như tìm ra cách thức làm ăn hiệu quả. Nói tóm lại, họ đã giúp giải quyết 3 vấn đề: vay làm gì, làm như thế nào và quản lý sao cho hiệu quả.
Đồng thời, ông Lợi đề nghị: NHCSXH nghĩ ra phương sách, cách thức quản lý, sử dụng vốn mới tốt hơn, bởi sau 15 năm, nếu tiếp tục đi theo con đường cũ thì hiệu quả vẫn có nhưng sẽ chậm hơn, không bền vững.