Phát biểu tại Hội thảo “Tài nguyên nhãn hiệu” tối đa hóa giá trị và bảo vệ quyền lợi” ngày 28/11, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Lương Minh Huân cho biết, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, qua đó, tạo nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu, ngày càng nhiều các thương hiệu Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như: Vinfast, Vinamilk, FPT, Viettel, Trung Nguyên… Số lượng thương hiệu quốc gia được tăng lên đáng kể, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp đạt có sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2024, cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn liên tục có những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng nhanh chóng, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, trong thời đại phát triển như vũ bão của các công nghệ tiên tiến, điển hình là AI, khiến doanh nghiệp đứng trước những cơ hội, nhưng cũng làm cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dễ bị xâm hại hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tự bảo vệ thông qua sở hữu trí tuệ, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng, việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm cả dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cần thay đổi về cả nội dung và cách thức tiến hành.