Phát biểu phát động Cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nhấn mạnh: Cách đây 74 năm, ngay khi vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đưa đất nước ra phát triển giàu, mạnh. Về doanh nghiệp, doanh nhân, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Bác đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế.
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới, phát triển kinh tế đem lại thành tựu phát triển kinh tế to lớn và làm lên cơ đồ chưa từng có của đất nước ta ngày nay.
Thực tiễn chứng minh đường lối, chủ trương của Đảng ta về đổi mới, phát triển kinh tế trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, mang tính sáng tạo, phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành 3 Nghị quyết về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba Nghị quyết trên của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong và chủ yếu trong phát triển kinh tế, quyết định thành công trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. "Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chịu tác động và hưởng lợi trực tiếp từ các cơ chế, chính sách. Chính họ biết hơn ai hết họ cần gì, cơ chế, chính sách nào để họ có thể hoạt động tốt nhất, đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất cho việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và phát triển kinh tế đất nước", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” khẳng định sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Đồng thời, cuộc vận động nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Nêu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” là một việc làm cụ thể, thiết thực để thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính họ phải có tiếng nói, tham gia vào quá trình hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách. Chỉ như vậy, cơ chế chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn trong cuộc sống, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng đạt kết quả, hiệu quả cao hơn nữa.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng đã giao cho MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết. MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan triển khai giám sát thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lĩnh vực thuế hải quan, giám sát cải cách hành chính…
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên mọi miền Tổ quốc, thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ tích cực hưởng ứng Cuộc vận động để hoạt động này lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.
Tại lễ phát động, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc vận động Nguyễn Hữu Nghĩa đã công bố thể lệ tham gia Cuộc vận động. Theo đó, các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tham dự. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân gửi tối đa một tác phẩm tham dự với một số nội dung góp ý, đề xuất phù hợp tới mục tiêu, thể lệ Cuộc vận động.
Mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng, Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc vận động gồm: một giải đặc biệt trị giá 300 triệu đồng; ba giải nhất trị giá 100 triệu đồng/giải; năm giải nhì trị giá 50 triệu đồng/giải; 10 giải ba trị giá 20 triệu/giải; 20 giải khuyến khích trị giá 5 triệu đồng/giải.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình tham gia, Ban Tổ chức Cuộc vận động đã bấm nút khai trương trang website của Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.