Ông Michael Quilitis, Công ty KPP Powers Commodities InC cho biết, lần này sang Việt Nam là đoàn muốn kiểm tra trực tiếp việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho quy mô nông hộ.
Ông Michael Quilitis đánh giá, vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam là dòng vaccine rất triển vọng tại Philippines. Vaccine này được nông dân Philippines đánh giá cao. Với lượng vaccine đã nhập khẩu nếu cho kết quả tốt thì công ty sẽ lên kế hoạch để nhập khẩu bổ sung.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, sau khi Công ty KPP Powers Commodities InC triển khai tiêm pha 1 ở Philippines với quy mô hẹp được đánh giá tốt. Công ty đã triển khai tiêm pha 2 với quy mô lớn hơn. Trong thời gian này, họ tiếp tục sang Việt Nam để chứng kiến và đánh giá hiệu quả tiêm vaccine trên quy mô nông hộ, để từ đó có thể triển khai tiêm ở Philippines.
Nếu đạt kết quả tốt, dự kiến họ sẽ áp dụng tiêm trên quy mô diện rộng và có sự hỗ trợ của Chính phủ. Như vậy, lượng vaccine dịch tả lợn châu phi nhập khẩu vào Philippines sẽ lớn hơn nhiều, ông Nguyễn Văn Điệp cho biết.
Với quy mô nông hộ có 12 lợn nái, gia đình ông Lê Viết Thể, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội nuôi lợn thịt chỉ hoàn toàn từ nguồn lợn nái của gia đình sản xuất ra.
Qua hơn 20 năm chăn nuôi lợn, chưa khi nào ông Lê Việt Thể từng bị thiệt hại nặng nề như khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sau khi gây dựng chăn nuôi trở lại, ông dường như cấm tuyệt đối người ngoài vào thăm chuồng trại, do nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi rất cao. Bởi, nếu để lợn bị nhiễm dịch thì thiệt hại vô cùng lớn, 100% đàn lợn của gia đình sẽ bị xóa sổ.
Từ khi vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam được công nhận, ông Lê Viết Thể đã chủ động tiếp nhận vaccine của công ty để tiêm cho đàn lợn thịt của gia đình.
Sau hơn 1 năm tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho hàng chục đàn lợn, ông Thể cho biết, đàn lợn của gia đình rất khỏe mạnh. Ông cho người dân xung quanh vào thăm chuồng trại thoải mái, trong khi xung quanh vẫn liên tục có các ổ dịch nhỏ tái phát. Thậm chí, có lần ông mua phải lợn nái đang ủ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Con lợn này đã chết nhưng đàn lợn khác của gia đình vẫn được bảo vệ an toàn nhờ đã tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi đầy đủ.
“Không như các loại bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh… sẽ có dấu hiệu và có khả năng chữa trị. Nếu lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi thì nguy cơ sẽ thiệt hại là 100%. Từ khi lợn được tiêm vaccine làm cho tôi khá yên tâm trong chăn nuôi. Giờ chỉ làm sao tiết giảm các chi phí khác trong chăn nuôi để đạt hiệu quả cao hơn”, ông Thể chia sẻ.
Theo ông Thể, lợn tiêm tốt nhất sau khi sinh khoảng 20 ngày (3 tuần đến 8 tuần tuổi). Sau tiêm cần cho lợn uống điện giải 1 tuần để hạ sốt.
Không chỉ tiêm cho đàn lợn thịt của gia đình, ông Thể đã tự tìm hiểu và tiêm cho đàn lợn nái, lợn hậu bị của gia đình mình. Bởi theo ông đàn lợn mẹ có an toàn thì lợn con mới an toàn.
Qua 3 lần tiêm cho lợn nái, lợn hậu bị, ông Thể đúc kết, nái đẻ sau từ 10 - 15 ngày là có thể tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Nếu tiêm ngoài thời gian trên, hiệu quả đạt được không cao, cho thể dẫn đến hỏng thai, sinh sản kém… Lợn hậu bị nên tiêm trước khi phối giống từ 20 - 25 ngày.
Sau khi tiêm, mỗi ngày lợn cần được cho ăn bù điện giải (để giảm sốt) từ 10 - 15 ngày. Người chăn nuôi đặc biệt lưu ý không được tiêm vaccine cho lợn mang thai, ông Thể chia sẻ.
Không chỉ tiêm cho đàn lợn của gia đình, ông Thể còn tuyên truyền cho các hộ xung quanh tiêm phòng từ hiệu quả của chính gia đình mình. Qua hơn 1 năm, với sự hỗ trợ vaccine của công ty, ông đã tiêm hơn 3.000 liều cho đàn lợn của khoảng 40 - 50 hộ. Đến nay, các hộ có lợn được tiêm đều chưa bị tình trạng tái bùng phát dịch. Lợn được bảo hộ an toàn.
Ông Phạm Văn Tuyến, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cho biết, lần này là lần thứ 2 ông tiêm cho lợn đàn lợn con của gia đình. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Từ khi tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi nên gia đình ông cũng như các hộ xung quanh đã tiêm rất yên tâm chăn nuôi.
Trước đó, bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác gần đây với Công ty cổ phần AVAC Việt Nam. Công ty đã đảm bảo quyền phân phối độc quyền vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam. Bởi đây là sản phẩm đã được Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm và cho phép xuất khẩu.
Tháng 7/2023, có 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã được Công ty KPP Powers Commodites Inc nhập khẩu chính thức về Philippines, mở ra cơ hội mới cho người chăn nuôi tại nước này chống lại dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, Công ty AVAC cũng hợp tác thử nghiệm vaccine AVAC ASF LIVE tại Philippines. Cục Thú y Philippines đã đề nghị Công ty AVAC phối hợp và cung cấp 1.000 liều vaccine. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine AVAC ASF LIVE an toàn và hiệu quả cho tất cả 1.000 lợn thí nghiệm được tiêm.
Công ty KPP Powers Commodites Inc – Philippines là một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối các loại phụ gia thức ăn chăn nuôi và chất bổ sung cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.