Ngành lâm nghiệp đang phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 4% đến 4,5%; phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 43% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng và giá trị của rừng góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân có cuộc sống gắn với nghề rừng. Để thực hiện được những mục tiêu đó, phải định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó phải ưu tiên phát triển trồng rừng sản xuất.
Những bất cập về năng suất và chất lượng
Theo ông Võ Đại Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp, tiềm năng đất lâm nghiệp và lập địa lớn nhưng chưa được phát huy hết, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Chất lượng rừng tự nhiên thấp, có đến 60 - 70% là rừng nghèo. Do đó, tuy diện tích đất lâm nghiệp đang chiếm gần 50% nhưng đóng góp của ngành lâm nghiệp cho GDP còn thấp. Để phục vụ cho chế biến xuất khẩu, cả nước phải nhập khẩu 80% gỗ nguyên liệu (3,5 triệu m3), tương đương 1,5 tỷ USD.
Kiểm tra chất lượng cây keo giống tại Công ty cổ phần Giống vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam (Phú Thọ). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Tính đến cuối năm 2010, tổng diện tích rừng toàn quốc đạt khoảng 13,4 triệu ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%. Tổng trữ lượng rừng toàn quốc đạt 953 triệu m3, tăng gần 124 triệu m3 so với năm 2005. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt ở mức cao, trong 5 năm qua bình quân tăng mỗi năm 21,4%. Lâm nghiệp đã có chuyển biến theo hướng từ lấy khai thác gỗ tự nhiên là chính sang phát triển trồng rừng bảo vệ rừng và khai thác gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, ngành lâm nghiệp còn nhiều tồn tại hạn chế như: Rừng ở nhiều nơi còn bị tàn phá; năng suất chất lượng của rừng còn thấp; số lượng và chất lượng tài nguyên rừng còn thấp; tăng trưởng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh thấp; cơ cấu sản xuất chuyển dịch chậm; đời sống một bộ phận người làm rừng chậm được cải thiện. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản và gỗ liên tục tăng nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn không có sự thay đổi.
Định hướng tái cơ cấu
Theo ông Nguyễn Nghĩa Biên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), định hướng tái cơ cấu ngành trong thời gian tới là sẽ điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng: phòng hộ, đặc dụng, sản xuất nhằm phát huy giá trị của từng loại rừng. Theo đó, xem xét phân chia 3 loại rừng hiện nay thành 2 loại rừng là sản xuất (kinh tế) và rừng bảo vệ (phòng hộ) cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới và giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý, sử dụng. Ông Biên cũng đặt vấn đề: Có nên điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng theo hướng giảm bớt tỷ trọng diện tích rừng phòng hộ, chỉ tập trung phát triển và duy trì diện tích rừng phòng hộ ở những vùng đầu nguồn lưu vực sông, hồ đập lớn...; tăng tỷ trọng rừng sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chức năng phòng hộ.
Để điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo chuỗi giá trị, ông Biên cho biết, sẽ điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản ngoài gỗ, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong nước từ 5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên 10% vào năm 2020. Bên cạnh đó, ngành cũng điều chỉnh cơ cấu tổ chức sản xuất của ngành theo hướng các tổ chức của nhà nước trực tiếp quản lý 50% tổng diện tích rừng, còn lại là các thành phần kinh tế khác. Phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh; nhiệm vụ công ích và các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, tư vấn của doanh nghiệp lâm nghiệp để có các cơ chế, chính sách phù hợp về đất đai, đầu tư, vốn... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Tổ chức lại các doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước theo hướng quy mô đủ lớn, đủ nguồn lực để có đủ năng lực cạnh tranh và phát triển một cách tự chủ, bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ khâu tạo nguyên liệu, khai thác, chế biến, thương mại và cung cấp dịch vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện những định hướng này, cần có những giải pháp như: Xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp thông qua thu hút nguồn lực từ ngoài xã hội đầu tư vào các hoạt động quản lý, khai thác, chế biến... để giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước; lồng ghép kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Ông Hà Công Tuấn cho rằng, ngành lâm nghiệp phải triển khai hàng loạt các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và giá trị lâm sản hàng hóa; gắn với việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển lâm nghiệp và kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó ưu tiên phát triển, nâng cao giá trị trồng rừng là sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng.
Bích Hồng