Ứng phó với giá điện mới

Giá điện bán lẻ tăng 5% kể từ ngày 1/8 khiến cho giá thành nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Không bị động, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như người dân đã tăng cường các phương án tiết kiệm điện để hạn chế những tác động của giá điện đến sản xuất và sinh hoạt.


Doanh nghiệp “thắt lưng”


Theo ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Pin Hà Nội, việc tăng giá điện tất nhiên sẽ khiến doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, DN không hề bị động trong đợt tăng giá điện lần này bởi đã xác định sẽ chia sẻ khó khăn cùng với ngành điện. Do không thể tăng giá bán nên cách mà doanh nghiệp này lựa chọn là cắt giảm các chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất để có thể tự cân bằng giá bán ra. Bên cạnh đó, DN cũng khuyến khích công nhân tăng năng suất lao động để chủ động tháo gỡ khó khăn.


Công nhân Công ty điện lực Sơn La hiệu chỉnh công tơ điện, nhằm góp phần giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

 

Cũng chủ động nắm bắt thông tin điện tăng giá và đề ra chính sách ứng phó kịp thời, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền phong cho biết, dự báo giá điện cùng với giá xăng sẽ còn tăng, vì thế, DN phải tự tìm cách điều tiết để cân bằng. Mỗi năm, công ty của ông Phúc phải chi khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng tiền điện, nước. Việc điện tăng giá thêm 5% sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của DN. Bởi thế, DN sẽ tự cân bằng và chưa tính tới việc tăng giá thành.


Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống bình ổn điện, ông Phúc cho biết, công ty đang tiến hành xây dựng định mức sử dụng điện đối với các phòng, ban, nhân viên. Đối với các cá nhân, đơn vị sử dụng điện tiết kiệm sẽ được công ty thưởng xứng đáng. Ngược lại, những đơn vị lãng phí điện sẽ bị phạt tương ứng.


Còn với Công ty May Phước Kỳ Nam lại có một “chiêu” tiết kiệm điện tương đối hiệu quả. DN này vừa đưa vào sử dụng khu hành chính không cần sử dụng ánh đèn vào ban ngày. Khu nhà được lắp rất nhiều cửa sổ bằng kính, nhân viên có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên để làm việc. “Công ty vừa tính toán lại giờ làm việc, hạn chế hoặc không làm việc vào giờ cao điểm, chuyển sang máy móc dùng khí đốt để có thể tiết kiệm 30 - 40% chi phí”, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc công ty nói.


Người dân “buộc bụng”


Giá điện tăng cùng thời điểm với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas tăng đã trở thành gánh nặng với mỗi hộ gia đình. Cầm hóa đơn tiền điện tháng 7 trong tay, chị Nguyễn Trang (Hà Đông, Hà Nội) nhẩm tính số tiền sẽ phải đóng trong tháng 8. Chị Trang cho biết, gia đình chị có 6 người, các thiết bị điện trong nhà như bình nóng lạnh, điều hòa, tủ lạnh, ti vi, máy tính thường phải hoạt động hết công suất. “Để tiết kiệm, tôi thay bóng đèn dây tóc trong nhà bằng bóng đèn huỳnh quang hoặc đèn led”, chị Trang nói.


Ngay khi biết thông tin giá điện sẽ tăng từ tháng 8, ông Nguyễn Cao Điểm (Lê Duẩn, Hà Nội) cũng đã quyết định thay thế 9 bóng đèn tròn trong phòng khách nhà mình bằng 9 bóng đèn compact. Theo thông tin của nhà sản xuất, mỗi bóng đèn compact có công suất chỉ bằng 10 - 20% so với bóng đèn sợi đốt. “Bóng đèn compact có giá cao hơn, tuy nhiên tuổi thọ lại lâu hơn gấp 5 lần và khi dùng tiết kiệm được nhiều điện hơn so với bóng đèn sợi đốt”, ông Điểm cho biết.


Với giới sinh viên, người lao động phổ thông ở trọ, mỗi lần tăng giá điện thực sự là một gánh nặng bởi sau khi giá điện tăng, họ sẽ phải trả tiền nước, tiền Internet cùng nhiều chi phí ăn uống... cao hơn. Vừa đầu tháng, chị Đỗ (quê Vĩnh Phúc, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long) đã nhận được thông báo từ chủ nhà trọ: Từ tháng này, mỗi số điện tăng thêm 500 đồng, mỗi khối nước tăng thêm 1.000 đồng. Hành động này của chủ nhà thực chất chỉ là “té nước theo mưa”, nhưng vì ở trọ nên chị cũng như nhiều người ở trọ khác đành phải chấp nhận chứ không thể kêu ai.


Theo nhẩm tính của chị Đỗ, từ nay, tiền điện của chị sẽ tăng thêm 50.000 đồng/tháng, tiền nước 7 khối tốn thêm 7.000 đồng, tiền gas tăng thêm 8.000 đồng. Tổng cộng, chị sẽ phải tăng chi thêm 65.000 đồng/tháng, gần bằng số tiền ăn sáng mì tôm của chị trong cả tháng. “Từ tháng sau, công ty không có đơn hàng để tăng ca nên thu nhập của hai vợ chồng chỉ còn 7 triệu đồng. Có lẽ phải tiết kiệm điện nước hơn nữa thôi”, chị Đỗ than thở.

 

Ngày 31/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo điều chỉnh giá điện. Theo đó, kể từ ngày 1/8, giá bán điện bình quân sẽ là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (tương đương 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh).


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN