Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn (áo trắng) tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại Tổ hợp tác trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A. (Ảnh tư liệu)
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn và sản xuất theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả rõ nét. Tiêu biểu như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại Tổ hợp tác trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, mang lại lợi nhuận cao hơn 10 lần so với trồng lúa trước đó.
Bà Trang Thị Huỳnh Phương, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A cho biết, để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019, xã đã tổ chức cho nông dân tham quan, học tập mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, địa phương triển khai mô hình thử nghiệm đầu tiên trên 1.000 m2 tại hộ ông Diệp Huỳnh Khôn.
Ông Diệp Huỳnh Khôn cho biết, gia đình đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng nhà màng, trồng thử nghiệm 2.500 dây dưa lưới Nhật giống TN3, Sau khoảng 80 ngày xuống giống, dưa lưới cho thu hoạch, năng suất đạt 3,5 tấn. Với giá bán 60.000 đồng/kg thời điểm đó, trừ tất cả chi phí, ông Khôn thu lãi 80 triệu đồng.
Từ chuyển đổi thành công của gia đình ông Diệp Huỳnh Khôn, Hội Nông dân xã Lương Hòa A vận động nhiều hộ trên địa bàn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp để trồng dưa lưới. Tổ hợp tác trồng dưa lưới Lương Hòa A được thành lập năm 2019 và hiện nay, đã phát triển lên 18 thành viên sản xuất trên tổng diện tích 1 ha; trong đó có 9 nhà màng và 1 nhà lưới, với diện tích 1.000 m2/nhà.
Ông Diệp Huỳnh Khôn chăm sóc vườn dưa lưới trong nhà màng.
Ông Huỳnh SaRây, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, chi phí đầu tư một nhà màng là 400 triệu đồng và nhà lưới là 100 triệu đồng. So với nhà lưới, nhà màng có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể, thời hạn sử dụng nhà lưới chỉ 3 năm trong khi nhà màng có thể sử dụng trên 10 năm; nhà màng có thể trồng mỗi năm 4 vụ trong khi nhà lưới chỉ 2 vụ.
Ngoài ra, nông dân tham gia mô hình còn được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, với mức hỗ trợ xây dựng tối đa 50 triệu đồng/nhà lưới và 100 triệu đồng/nhà màng đối với diện tích 1.000 m2. Đồng thời, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển sản xuất. Các thành viên trong tổ đã được giải ngân 1 tỷ đồng từ quỹ này, dư nợ hiện còn 600 triệu đồng.
Hơn 5 năm sản xuất, mô hình đã chứng minh hiệu quả cao. Với năng suất từ 1,8 - 2 tấn/1.000 m2, giá bán ổn định hiện nay 40.000 - 45.000 đồng/kg, thành viên Tổ hợp tác đạt lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/1.000 m2, cao hơn 10 lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất.
Không chỉ trong lĩnh vực trồng màu, nhiều hợp tác xã sản xuất lúa tại Trà Vinh cũng tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành hiện có 330 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 560 ha; trong đó, có gần 50 ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã trang bị nhiều hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, như lò sấy lúa, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái, máy xay xát gạo, máy rê lúa, máy sạ hàng theo cụm, hệ thống giám sát phát thải khí methane, hệ thống giám sát côn trùng thông minh thông qua các thiết bị di động thông minh… Việc cơ giới hóa, đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp hợp tác xã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho thành viên.
Vụ Đông Xuân năm nay là vụ thứ 3 liên tiếp hợp tác xã sản xuất thí điểm thành công, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế lẫn môi trường. Nhờ áp dụng kỹ thuật đồng bộ, năng suất lúa trong mô hình đạt khoảng 7,5 tấn/ha, cao hơn từ 5 - 10% so với ngoài mô hình. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận bình quân các thành viên tham gia đề án đạt 48,5 triệu đồng/ha, tăng từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống.
Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng phân vi sinh, giống lúa xác nhận, sạ thưa... Theo ông La Quốc Yên – Giám đốc Hợp tác xã, việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến giúp giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng gạo và bảo vệ sức khỏe người dân.
Đặc biệt, hợp tác xã đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy bay không người lái phun thuốc trên ruộng lúa, góp phần giảm công lao động, bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân. Bên cạnh đó, hợp tác xã tăng cường truyền thông kỹ thuật, quản lý dịch hại qua nền tảng xã hội như Zalo, Facebook.
Ông La Quốc Yên cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường. Quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, công lao động, giúp thành viên tăng lợi nhuận đáng kể so với tập quán cũ. “Trước đây làm lúa theo cách truyền thống, phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh rất khó kiểm soát. Từ khi hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật và chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất tăng rõ rệt, đầu ra ổn định hơn”, ông Yên khẳng định.
Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 32.000 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Thực hiện Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân các địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, tỉnh hỗ trợ nông dân sản suất rau an toàn trong nhà lưới, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả, cây dừa, vườn tạp, đất trồng mía; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác; thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao đời sống nông dân, mà còn tạo nền tảng để Trà Vinh phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị chuỗi nông sản; góp phần đưa tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.