Cây mía là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng ở Tây Ninh. Thế nhưng, vài năm gần đây, cây mía trở nên “nhạt” bởi người trồng thua lỗ, nợ ngân hàng khiến nhiều diện tích bị phá bỏ, thay bằng cây trồng khác. Để cây mía quay trở lại và “ngọt” bền vững trên thủ phủ mía đường Tây Ninh, nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư của ngành nông nghiệp cũng như của nhà máy mía đường đang giúp nông dân nâng cao năng suất, chữ đường (CCS) và dần có lại niềm tin với cây mía.
Một trong những nông dân có diện tích trồng mía lớn nhất nhì ở Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Nghị - xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, niên vụ mía năm 2023, ông đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào máy móc, thiết bị để cơ giới hóa toàn bộ quy trình trồng. Đồng thời, quyết định tăng diện tích trồng thêm 100 ha, nâng tổng diện tích cánh đồng mía lên 310 ha. Hiện toàn bộ diện tích mía của ông hoàn toàn được cơ giới, kể cả khâu phun xịt thuốc ngừa sâu bệnh, thuốc dưỡng đều được sử dụng thiết bị bay không người lái.
Theo ông Nghị, trước đây chỉ có khâu cày bừa thực hiện bằng máy móc, phần lớn các công đoạn còn lại chủ yếu phải thuê nhân công. Thế nhưng, thực tế năng suất, chất lượng mía sau khi thu hoạch không tương xứng với công sức, tiền bỏ ra đầu tư. Ông Nghị đã tìm hiểu thì phát hiện nhiều nước có thế mạnh về ngành mía đường trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan đã ứng dụng các loại máy móc thay thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông đã mạnh tay đặt 3 dàn máy chặt mía ở Thái Lan về thí điểm và bước đầu có hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều điểm không phù với thực tế. Do đó, ông đã cho cải tiến, điều chỉnh lại dàn máy, khắc phục những lỗi như: bấm đọt chưa hết, đánh lá không sạch, đưa dàn chặt lên phía trước đầu xe để cho máy tự luồng được trong hàng...
Trước đây, tất cả khâu trồng mía, thu hoạch đều phụ thuộc vào nhân công. Với diện tích trồng mía hiện tại, khi chưa áp dụng cơ giới hóa, cánh đồng của ông Nghị cần 100 nhân công chặt mía với công suất 150 tấn/ngày. Nhưng hiện nay, khi áp dụng máy móc, chỉ cần 15 nhân công làm tài xế đã đạt công suất 300 tấn/ngày và chủ động hoàn toàn thời vụ. Năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ha mía sẽ cho lãi khoảng 16 triệu đồng và sau vụ mùa này có thể lấy lại 50% vốn đã đầu tư - ông Nghị chia sẻ.
Phó giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTCS) Thái Bá Hòa cho biết, hiện tại, nông dân Tây Ninh đã thay đổi tư duy trồng trọt, áp dụng nhiều biện pháp canh tác, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ để tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể, nếu như trước đây, năng suất trung bình của người trồng mía thủ công ở Tây Ninh chỉ đạt tối đa 60 tấn/ha thì nay năng suất bình quân đạt 85 tấn/ha, thậm chí đã có nhiều hộ đạt đến 100 ha/tấn.
Theo ông Hòa, giải pháp cho hiệu quả cao mà người trồng áp dụng là khâu cày ngầm khi làm đất và mía được trồng bằng máy để nâng cao mật độ. Ngoài ra, trong khâu chăm sóc, người trồng áp dụng bón phân hữu cơ vi sinh để tăng độ phì cho đất. Song song đó, công ty cũng khuyến khích bà con trồng xen cây họ đậu để cải tạo đất bởi trước đây, người dân thường quen sử dụng phân bón hóa học khiến đất ngày càng bạc màu, năng suất giảm.
Một nhược điểm lớn của nông dân Tây Ninh là chi phí đầu tư cơ giới hóa quá lớn, không phù hợp lợi ích kinh tế với những diện tích trồng nhỏ lẻ. Do đó, theo ông Hòa, công ty đã có các chính sách đầu tư máy móc thiết bị, hệ thống tưới, kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… Đồng thời, công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương để liên kết diện tích nhỏ lẻ thành những cánh đồng mía lớn.
Nhờ đó, nhiều cánh đồng từ 100 - 300 ha hình thành tại các vùng nguyên liệu ở Tây Ninh, giúp việc đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa trở nên có hiệu quả. Cụ thể, mô hình của ông Lâm Chí Dũng - Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh đang áp dụng là minh chứng điển hình với năng suất 100 tấn/ha.
Phân tích thêm về thực trạng cây mía ở Tây Ninh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận: từ năm 2019 đến năm 2022, diện tích cây mía trên địa bàn tỉnh giảm mạnh (giảm hơn 50%). Nguyên nhân chủ yếu do giá thu mua mía nguyên liệu của nhà máy thời điểm này trung bình thấp; sự cạnh tranh của mía đường nhập khẩu… Nhiều nông dân trồng mía không có lãi dẫn đến phải bỏ cây mía để chuyển sang trồng những loại cây khác.
Cũng theo ông Xuân, đến năm 2023, diện tích trồng mía đã tăng nhẹ trở lại. Tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh đến nay là 6.400 ha, trồng chủ yếu tại 3 huyện Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu. Năng suất ước tính đạt từ 70 - 80 tấn/ha. Hiện nay, người trồng đã ứng dụng cơ giới hóa gần như 100% từ khâu làm đất, trồng đến chăm sóc. Riêng khâu thu hoạch hiện đã có ít nhất 70% người dân áp dụng thu hoạch bằng máy. Trong khi tình hình giá đường hiện nay đang có xu hướng tăng, dự đoán diện tích trồng mía thời gian tới của Tây Ninh sẽ tiếp tục tăng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, để cây mía đạt hiệu quả kinh tế cao thì cần phải trồng với quy mô lớn bằng cách liên kết các vùng trồng nhỏ lẻ lại với nhau. Đặc biệt, hiện nay khi thực hiện số hóa trên cây mía, có nhiều số liệu để giúp người trồng mía tính toán được trong sản xuất, tránh tình trạng mía đã chín trên đồng nhưng phải chờ lịch nhà máy thu hoạch, trong khi nhà máy có thời điểm lại hụt nguồn nguyên liệu mía phải chạy cầm chừng.
Ngoài ra, khi áp dụng số hóa ứng dụng công nghệ cao, người nông dân dễ dàng biết được độ ẩm trong đất để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp; sử dụng thiết bị máy bay không người lái để định vị vị trí phun thuốc trên những cánh đồng lớn một cách chính xác; thậm chí tính toán được thời vụ thu hoạch, sản lượng để trồng diện tích phù hợp.
Từ thực tế này cho thấy, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác trồng mía, cùng các chính sách phù hợp đi kèm đã giúp người trồng mía Tây Ninh tăng năng suất và tăng chữ đường đáng kể, dần lấy lại niềm tin vào cây mía.