Nanocellulose từ các nguyên liệu chứa cellulose đã và đang được nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa ở một số nước trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu công nghệ sản xuất nanocellulose còn hoàn toàn mới mẻ. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, tỉnh Tuyên Quang có nhiều tiềm năng để phát triển ứng dụng nanocellulose vào đời sống, góp phần hỗ trợ thêm việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Dự án hướng tới nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất nanocellulose sử dụng bột gỗ và công nghệ sản xuất phụ gia gia cố bê tông sử dụng Nanocellulose của Công ty NPP& CELLUFAB trên quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo tín chỉ carbon, quản lý chất thải, tuần hoàn tài nguyên, đảm bảo bền vững môi trường và khả năng phát triển tại tỉnh Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang khẳng định, đây là sự kiện quan trọng, là tiền đề tiến tới việc tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học môi trường trên quy mô toàn cầu.
Với vai trò là cơ quan đầu mối của tỉnh về công tác xúc tiến, hy vọng sự hợp tác giữa công ty NNP & Cellufab (Hàn Quốc) và các đối tác doanh nghiệp của tỉnh Tuyên Quang sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai. Trung tâm Xúc tiến đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các đơn vị thực hiện thành công dự án nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất nanocellulose.
Tại buổi ký kết, các đơn vị đã thống nhất thời gian dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu vào tháng cuối tháng 9/2023. Khi dự án nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất nanocellulose thành công, các bên sẽ triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nanocellulose tại tỉnh Tuyên Quang.
Nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ cùng ứng dụng công nghệ cao, dự án được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang.