Từ thương binh trở thành ông chủ

Trở về với cuộc sống đời thường từ chiến trường miền Đông Nam bộ, tưởng chừng người lính già thương binh mất 81% sức khỏe ấy cam chịu số phận tật nguyền. Nhưng không. Bản chất kiên trì của người lính đã nâng đỡ đôi chân tập tễnh và bàn tay tật nguyền, để rồi sau hơn 35 năm lăn lộn với đất đá khô cằn, từ người thương binh với hai bàn tay trắng ông đã trở thành ông chủ vườn ao chuồng. Ông là Võ Minh Chiến ở thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Con đường thoát nghèo và bát cơm chan đầy nước mắt


Chiếc xe u oát hơn một giờ tăng tốc vượt 70 km từ thành phố Vũng Tàu đã đưa chúng tôi đến nhà ông Võ Minh Chiến. Ngôi nhà mái bằng khang trang của ông tọa lạc trên gò đồi cao.


Ông Chiến chăm sóc cây cảnh trước ngôi nhà khang trang của mình.


Trên hành lang nhà rộng rãi kê chiếc bàn trò ép sát tường, nơi ông nghỉ tay uống trà sau những giờ lao động mệt nhọc. “Có cơ ngơi này là cố gắng lắm đó anh. Cứ tưởng sau khi rời quân ngũ, chân tay tật nguyền mình phó thác cho số phận. Vậy mà thành công, ông Chiến cười mãn nguyện.


Ông kể, ngày từ chiến trường trở về, vừa mặc cảm vì tay chân tàn tật, vừa nghèo đói, ông trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm phải làm gì để thoát nghèo. Vào những thập niên 76-80 của thế kỷ trước, thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”, cháo không có mà ăn, thế thì ai cả gan vay tiền làm kinh tế?


Vậy mà ông đã mạnh dạn vay tiền bạn bè sắm xẻng cuốc một mình khai hoang đồi trọc. Thấy chồng san đồi, đào đất, vợ ông cho là “dở hơi, làm chuyện không đâu. Thời buổi bình quân đầu người làm chi cho uổng sức”, còn hàng xóm thì bảo ông: “khùng mới khoét đồi làm vườn”. Nhưng ông không nghe, bởi “Chí tôi đã quyết, không thành công cũng làm cho biết”.


Công việc đầu tiên là nhờ anh em họ hàng phát cây, ủi vạt đồi san phẳng. Dựng tạm chiếc lán lấy chỗ che nắng che mưa, ông lao vào công việc quần quật suốt ngày đêm. Lợi dụng vách đồi dựng đứng, ông cho khoét lỗ làm chuồng nuôi heo rừng, đào ao thả cá, khoanh vườn nuôi gà. Khoảng đồi trống trồng chuối lấy quả đem bán, thân chuối băm nấu cho heo, lá chuối rứt xuống ao cho cá. Đàn heo rừng hơn chục con hay ăn chóng lớn, cá dưới ao đạp quẫy sầm sầm, hơn 200 con gà nháo nhác đòi ăn.


Ông Chiến như con thoi trong guồng quay khép kín từ sáng đến tối. Hết cho heo, gà ăn, lại tranh thủ móc bùn đắp chuồng heo. Thấy vạt cỏ đồi xanh mơn mởn, ông tiếc quá, vậy là mạnh dạn vay thêm tiền người đồng đội mua 3 con bò giống về nuôi.


Đang trong lúc “xuôi chèo mát mái” thì đàn gà hơn 200 con lăn ra chết vì dịch cúm, bò thì long mồm lở móng chết dần. Thương bò, thương mình đêm ngày vất vả, ông Chiến lăn ra ốm. “Những ngày ấy, tui tưởng mình không gượng dậy được. Phần vì lo gà bò chết hết vốn không tiền trả nợ, phần tủi số mình không gặp may. Nhưng rồi “thua keo này ta bày keo khác” và nhờ vợ con động viên nên tui không chùn bước.


Tìm hiểu thì ra gà bò chết là do mình chưa biết cách phòng ngừa, chuồng trại thiếu vệ sinh, không thoáng mát. Tui đi học cách nuôi bò, nhiều người bảo tui là thằng khùng, có kẻ cười đểu: Thằng què ấy làm được kinh tế thì trời sập. Vậy mà trời không sập, còn tui thì thoát nghèo. Tất cả là nhờ đôi tay này. Ha ha”.


Ông Chiến cười và chìa đôi bàn tay cho tôi xem. Năm xưa đôi tay ông cầm súng tiêu diệt quân thù, hôm nay đôi tay ấy ngập lội trong đất bùn để làm ra của cải vật chất. Có được bát cơm gạo trắng ăn với thịt kho với đậu hũ như bây giờ, ông và cả nhà ông đã chan đầy nước mắt, trải qua những ngày nghèo khổ cùng cực và không ít nỗi đau.


Ông chủ mô hình “VAC”


Giờ đây trong căn nhà mái bằng khang trang rộng rãi, anh thượng sĩ tật nguyền bị thương tật 81% sức khỏe ngày nào giờ đã trở thành ông chủ trang trại miền sơn cước nhưng vẫn không lúc nào ngơi tay. Ông bảo: “Ngồi chỗ không yên, lao động cũng là để rèn luyện sức khỏe. Vùng quê này nghèo lắm. Đất đai cằn cỗi, tui chỉ mong sao có nhiều người khác cũng được như mình”.


Ông Chiến bên đàn bò.


Từ mô hình “vườn ao chuồng”, “dưới cá, trên giàn, trong chuồng, ngoài cây”, trừ chi phí phân giống, hằng năm ông thu nhập 50 triệu đồng. Tuần nào cũng có lái buôn đến mua gà thịt, tháng xuất một lần cá, năm bán 3 lứa heo rừng. Bò mẹ đẻ bò con, lãi nhỏ góp lại thành lãi lớn, càng làm càng lãi, càng lãi càng ham. Căn nhà khang trang rộng rãi trên mảnh đất khô cằn này được xây bằng lãi của bò, heo, gà, cá. Tuy số tiền ấy chưa thật nhiều, nhưng đã giúp ông có tiền làm nhà, mà điều cao quí hơn là phát huy được bản chất người lính sau khi về với đời thường, thương binh tàn mà không phế.


Có tiền, ông đầu tư cho con cái học hành. Con trai, con gái, con rể ông đều làm cán bộ nhà nước. Ngày cuối tuần con ông đưa các cháu về thăm ông bà. Mâm cơm sum họp đông vui có đĩa thịt gà thơm phức, cá bắt dưới ao, rau sẵn ngoài vườn.


Ông Chiến tâm sự: “Cả đời tui chỉ mong sao có cơm no mặc lành. Còn sức, còn đóng góp cho xã hội. Muốn nước mạnh thì dân phải giàu, muốn giàu phải biết cách làm, đừng bao giờ đầu hàng với số phận”. Khi nhắc về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, ông Chiến vạch cho tôi xem vết thương trên cổ và đùi phải. “Trong ấy còn dằm bom. Mỗi khi trái gió trở trời nó hành tui đau nhức, chân tay cứng lại. Càng đau càng làm, càng tê càng đi. Thằng Mỹ mình còn không sợ nữa là. Phải làm để chiến thắng bệnh tật chứ”. Giọng ông Chiến sang sảng cười hê hả làm cả nhà vui lây.


Rời nhà ông trong lòng tôi rộn rã niềm vui. Hình ảnh người thương binh tàn nhưng không phế xưa kia, giờ là ông chủ VAC dân giã, bình dị, vui tính, lúc tất bật với đàn gia súc, lúc thư thái bên bàn trà, lúc âu yếm chăm sóc đàn bò làm tôi khâm phục. Khâm phục người lính Cụ Hồ dù khó khăn đến bao nhiêu cũng cầu tiến vươn lên không bao giờ chùn bước.


Bài và ảnh: Mai Thắng

Người thương binh đam mê trồng rừng
Người thương binh đam mê trồng rừng

Có thể nói như vậy về ông Hạ Sỹ Lường, ở Khu chợ I, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Cho đến nay, gia đình ông Lường đã có hơn 200 ha rừng trồng. Ông tâm sự: “Trồng rừng được hỗ trợ giống, phân và cả tiền công, tại sao mình không làm?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN