Từ nay sẽ loại bỏ nhà thầu nào không đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình

Ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có buổi kiểm tra thực địa và làm việc với chủ đầu tư về dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, sân bay Long Thành.

Chú thích ảnh
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài gần 100km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai (ảnh tư liệu, minh họa).

Thực địa tại 2 gói thầu (số 3, số 4 – qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) trên tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, gói thầu số 3 chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ, còn rất ngổn ngang với nhiều phần việc phải làm.

Bộ trưởng khẳng định, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, Chính phủ và các cơ quan Trung ương rất quan tâm, thường xuyên đốc thúc nhưng hiện tiến độ dự án lại chưa đạt yêu cầu; trong khi người dân cũng rất mong chờ tuyến đường này sớm hoàn thành.

"Các đơn vị phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Đặc biệt, các nhà thầu phải tập trung tối đa lực lượng thi công đồng loạt khi thời tiết thuận lợi. Từ nay, nhà thầu nào không đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình thì loại bỏ, thay thế nhà thầu mới. Tất cả phải vào cuộc để tháng 12/2022 thông xe kỹ thuật cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đưa cao tốc vào khai thác trước ngày 30/4/2023," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Bộ trưởng yêu cầu kiểm tra tính chính xác của báo cáo mà Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) trình bày. Bởi trong báo cáo khối lượng công việc đã hoàn thành rất khác với hiện trường; thực tế trên công trường không như báo cáo.

“Thời gian qua, Đồng Nai mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi gây khó khăn trong quá trình thi công dự án. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chậm tiến độ là do Ban Quản lý dự án và các nhà thầu chưa làm tốt,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi qua địa bàn Bình Thuận và Đồng Nai với chiều dài 99 km. Đến nay, giá trị sản lượng thực hiện toàn dự án đạt gần 66% giá trị hợp đồng. Hiện các cầu trên tuyến cơ bản đã thi công xong, nhà thầu đang tiến hành thảm nhựa.

Chú thích ảnh
ộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng nghe trình bày về quá trình thi công sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra thực tế tại Dự án sân bay Long Thành. Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – chủ đầu tư dự án), đến nay, nhiều gói thầu tại sân bay Long Thành đã triển khai; trong đó, riêng gói thầu cọc móng nhà ga hành khách đã hoàn thành. Các đơn vị đang tập trung nhân lực, máy móc để tiếp tục thi công gói thầu thoát nước và san nền. Hiện ACV đang đấu thầu gói thầu xây dựng phần thân và thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành; dự kiến, đầu năm 2023 khởi công nhà ga hành khách.

 Đại diện ACV cho biết, hiện Đồng Nai đã bàn giao khoảng 97% diện tích mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành. Phần mặt bằng còn lại chưa được bàn giao, nguyên nhân do 100 hộ dân vẫn chưa chưa đồng tình với giá bồi thường, đang chờ bố trí tái định cư.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)
Thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án, các nhà thầu tổ chức triển khai thêm các mũi thi công đảm bảo tiến độ đề ra; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về vật liệu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN