Sau thương vụ mua Swissport hồi năm ngoái, công ty HNA của Trung Quốc đã tiếp tục mạnh tay thâu tóm thêm một doanh nghiệp dịch vụ lâu năm khác là Swissair. Thương vụ trị giá nhiều tỷ franc Thụy Sĩ (CHF) này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có nhiều tín hiệu xấu.
Syngenta đã bị thâu tóm bởi một công ty Trung Quốc. |
Giới phân tích tại Thụy Sĩ nhận định làn sóng mua sắm các doanh nghiệp Thụy Sĩ của các "ông lớn" Trung Quốc sẽ chưa dừng lại. Hôm 11/4 vừa qua, HNA, một doanh nghiệp lớn thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã giao dịch thành công thương vụ mua lại Gategroup.
Trước đó một tuần, khách sạn nổi tiếng bang Vaud là Le Mirador cũng đã được sang tên cho người Trung Quốc - những người cũng đã sở hữu thương hiệu đồng hồ Corum (một hãng đồng hồ thành lập từ năm 1955 tại thị trấn La Chaux-de-Fonds, dưới chân dãy Jura).
Nhưng đáng chú nhất là hồi tháng Hai vừa qua, tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina đã bỏ đến 43 tỷ USD để mua tập đoàn nông nghiệp và hóa chất Syngenta; còn hãng sản xuất chai nhôm nổi tiếng Sigg đã bị Hears Vacuum Containers mua lại với giá hơn 17 tỷ USD.
Được công bố chỉ hai ngày sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Thụy Sĩ Schneider-Ammann tới Trung Quốc, việc mua lại doanh nghiệp dịch vụ cảng hàng không lâu đời Swissair thể hiện tham vọng của Trung Quốc lấn sân sang các lĩnh vực mà nước này còn yếu.
Còn với HNA, một doanh nghiệp chuyên về vận tải hàng không và hậu cần tại châu Á, đây là một cơ hội để phát triển, vươn sang thị trường châu Âu. Thương vụ, được trả bằng tiền mặt, với mức định giá cho mỗi cổ phiếu của Gategroup là 53 CHF, tương đương 1,4 tỷ CHF và cao hơn giá đóng cửa thị trường chứng khoán hôm 6/4 tới 20%.
HNA sẽ tận dụng sự phát triển của thị trường vận tải hàng không châu Á để vực dậy doanh nghiệp này. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2015, vận tải hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ phát triển mạnh nhất thế giới. Hiệp hội này dự báo khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm nay.
HNA dường như đang đi theo chiến lược của nhiều tập đoàn Trung Quốc khi muốn tìm kiếm bí quyết công nghệ của Thụy Sĩ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Có thể nói HNA là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc.
Sau khi mua lại Swissport với giá 2,7 tỷ CHF hồi tháng Bảy năm ngoái HNA lại đầu tư 2,5 tỷ USD để mua Avolon Holding - một doanh nghiệp cho thuê máy bay của Ireland. Tới tháng 2/2016, HNA tiếp tục tung ra 6 tỷ USD thâu tóm Ingram Micro - nhà phân phối các sản phẩm điện tử của Mỹ. Nhà phân tích thị trường Will Horton dự đoán khả năng sắp tới HNA sẽ tìm cách thâu tóm một hãng hàng không Mỹ, điều mà Bắc Kinh chưa làm được.
Được thành lập từ năm 1993, HNA là một hiện tượng của nền kinh tế Trung Quốc. Thành công của HNA đã khiến nhà tài phiệt Mỹ Georges Soros chú ý và đầu tư vào Hàng không Hải Nam từ năm 1995. Từ thời điểm đó, công ty hàng không nhỏ bé trên đảo Hải Nam này đã phát triển nhanh chóng và lọt vào danh sách Fortune 500 những tập đoàn lớn của thế giới.
HNA sử dụng khoảng 180.000 nhân công, doanh số đạt 28,5 tỷ USD song không bao giờ tiết lộ lợi nhuận của mình. Được biết ông chủ và là người sáng lập Chen Feng của HNA là một nhân vật khá đặc biệt. Ông này năm nay 63 tuổi và từng học qua trường Quản trị Vận tải hàng không Lufthansa, Đức.