Năm 2007, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) có chủ trương mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân xã Vân Đồn nhận thấy cây bưởi Diễn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và hăng hái đưa giống cây này vào sản xuất.
Chị Trần Thị Chung, khu 3, xã Vân Đồn cho biết, gia đình đã phá bỏ các loại cây trồng cũ để tập trung đầu tư thâm canh phát triển bưởi Diễn trên diện tích 2 mẫu đất đồi vườn. Sau một thời gian chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất từ khâu tỉa cành, thụ phấn, tỉa quả, sử dụng phân bón hợp lý đến khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch nên vườn bưởi của gia đình chị đã cho thu hoạch ổn định, mỗi năm riêng tiền bưởi, gia đình chị thu về trên 100 triệu đồng.
Ông Đinh Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Vân Đồn cho biết, xã đã quy hoạch lại diện tích trồng bưởi, đồng thời vận động bà con tận dụng diện tích đất phù hợp để đưa bưởi vào trồng theo hướng hàng hóa. Hiện toàn xã có trên 100 ha bưởi; trong đó, có trên 80% diện tích trồng bưởi diễn, tỷ lệ bưởi đã cho thu hoạch chiếm tới 70%. Số gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bưởi đã lên tới hàng chục hộ.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp được cải tạo để chuyên canh cây ăn quả đặc quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Kiên, mỗi hécta trồng được khoảng 240 gốc bưởi, giống bưởi diễn từ 5 năm trở lên trung bình có trên 100 quả, với giá thị trường hiện nay khoảng 25.000 đồng/quả, mỗi ha cho thu tiền trăm triệu không phải khó. Trước đây, người dân phải mua cây giống từ nơi khác với giá khoảng 50.000 đồng/cây nhưng hiện nay, nhiều hộ đã tự chiết được cành giống tại chỗ với giá chỉ bằng một nửa. Với cách làm như thế, địa phương vừa chủ động được giống cây lại có thể chọn lọc được giống tốt.
Xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn là một trong các xã tham dự án trồng cây bưởi Diễn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn với tổng diện tích hơn 13 ha với 68 hộ tham gia. Hộ ít có vài chục cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên. Nhờ thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên đã đưa năng suất bưởi tăng cao, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng. Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Bưởi là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá. Bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng.
Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết, dự án trồng cây bưởi diễn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn được triển khai từ năm 2015 với diện tích 100 ha ở 5 xã khó khăn của huyện Thanh Sơn. Sau một thời gian trồng, tổng số diện tích và số hộ trồng tăng lên cao hơn so với kế hoạch. Đây được xem như là “điểm tựa” để người nông dân lựa chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương nhằm thay thế các loại cây tạp và một số cây lấy gỗ như bạch đàn, keo lai... kém hiệu quả. Huyện đã khuyến khích bà con có thể đầu tư mở rộng diện tích trồng đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, địa điểm mua cây giống đảm bảo chất lượng…
Trên thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn khá cao so với cây trồng khác, hơn nữa, giống cây này rất thích nghi với điều kiện đất đai ở nhiều địa phương tại Phú Thọ, mặt khác nhu cầu của thị trường cho giống cây ăn quả này còn khá lớn. Song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như các loại cây trồng khác thì rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như tìm đầu mối tiêu thụ, phát triển cây bưởi diễn thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định, tạo sự phát triển bền vững cho người dân.