Theo tờ trình, cảng dự kiến xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện cần Giờ) với tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan khoảng 2 km, việc bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Quan điểm nghiên cứu của UBND TP Hồ Chí Minh là phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Quy mô cảng được nghiên cứu là có thể khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn. Cảng dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 trước năm 2030 sẽ đầu tư 2/7 bến chính và giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.
Nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư xây dựng cảng được đặt tiêu chí phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên; phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, cảng Cần Giờ gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, ngoài các yêu cầu về vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi, thì yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển thành công một cảng trung chuyển quốc tế là có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới. Thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư.
"Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu, là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thể giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ", UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo Tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh, dự án sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại; tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người làm việc tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan; sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng giúp khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015 - 2022 khoảng 9,3%; dự báo trong giai đoạn 2022 - 2030, tổng lượng hàng thông qua cảng biển thành phố tăng trưởng bình quân khoảng trên 5%/năm, lượng hàng container tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm…