Đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được trình, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tổ chức, đồng thời việc thẩm định hồ sơ theo từng phần phù hợp với quy định, không chờ đến khi có đủ toàn bộ hồ sơ khảo sát, thiết kế mới thực hiện.
“Do hồ sơ thiết kế còn phải tiếp tục hoàn thiện cùng với kết quả khảo sát nên đến nay, Cục Quản lý đầu tư xây dựng có thông báo kết quả thẩm định 99,05/425,69 km đạt 23,3% cho các đoạn đủ điều kiện. Đồng thời, đôn đốc các ban chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật các đoạn còn lại”, ông Bùi Quang Thái thông tin.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng năm 2022 đã được Bộ Giao thông vận tải giao cho các địa phương là gần 7.175 tỷ đồng. Các Ban quản lý dự án đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai, tập trung giải phóng mặt bằng trước các đoạn tuyến thuận lợi của các gói thầu khởi công. Tính đến nay, công tác đo đạc tại thực địa và kiểm kê tài sản trên đất đã cơ bản hoàn thành.
Một số địa phương đã phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho gần 960 tỷ đồng với 4.113,6 ha, đạt 23,3%. Khối lượng đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 560 tỷ đồng/7.174 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng bố trí năm 2022 đạt 7,8%.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thống nhất các đoạn tuyến ưu tiên giải phóng mặt bằng trước để phục vụ khởi công.
"Các địa phương đang tập trung thực hiện các đoạn tuyến thuận lợi (các đoạn đất công, các đoạn không phải di dân, tái định cư,…), quyết tâm bàn giao 70% diện tích mặt bằng cho các gói thầu khởi công trong tháng 12/2022.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã yêu cầu các Ban quản lý dự án cam kết tiến độ thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện các công việc khác có liên quan. Từ đó, phấn đấu phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên hoàn thành trước ngày 5/11/2022, đảm bảo đủ điều kiện khởi công các dự án thành phần trước ngày 31/12/2022 theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ”, ông Bùi Quang Thái cho hay.
Về giải ngân các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tính trong 10 tháng năm 2022, lũy kế giải ngân cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đạt gần 11.575 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm và vượt 7,6% so với kế hoạch gần 10.753 tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm, khối lượng còn phải giải ngân tại dự án là gần 3.910 tỷ đồng. Việc giải ngân cần tập trung đẩy nhanh ở một số dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn...
Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, theo lãnh, lũy kế giải ngân đến nay đạt hơn 2.087 tỷ đồng/gần 8.592 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, vượt 56% so với kế hoạch yêu cầu hơn 1.792 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, dự án còn phải giải ngân hơn 6.504 tỷ đồng. Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện, dự kiến tập trung giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2022 và 1 tháng đầu năm 2023.