Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, một khởi đầu của tiến trình phát triển mới của nền kinh tế. Thêm vào đó, đây cũng là năm khởi đầu một tiến trình hội nhập mới khi hàng loạt các cam kết hội nhập có hiệu lực.
Cần có động lực mới
Nếu như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt khó khăn cho doanh nghiệp và lấy được niềm tin của người tiêu dùng thì Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì được tốc độ phát triển cao trong năm mới. Song chúng ta vẫn phải cải cách hành chính mạnh hơn nữa và tái cơ cấu kinh tế mới đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Bước sang năm 2016, khi nền kinh tế toàn cầu được cải thiện ít nhiều sẽ có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nếu trong năm 2016 giá dầu vẫn ở mức thấp, giá lương thực thực phẩm, nguyên liệu đầu vào như sắt thép và các kim loại khác cũng ở mức thấp sẽ tiếp tục tác động tích cực để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn cơ bản trong năm 2016 cần giải quyết. Đó là vấn đề ngân hàng bởi thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới chỉ dừng lại ở đảm bảo tính thanh khoản trong ngắn hạn. Nợ xấu tạm được cất giữ lại nên các ngân hàng yếu vẫn là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế trong năm tới. Lãi suất nói chung sẽ khó giảm, tốt lắm thì duy trì được mức như hiện nay.
Theo Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, từ năm 2016 trở đi nền kinh tế nước ta có triển vọng sáng sủa và mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7% cho năm 2016 là khả quan. Nhưng để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần có động lực mới, nếu không sẽ khó đạt được. Về chính sách tiền tệ, trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực như góp phần ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ… Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế vẫn còn khó. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại là chưa thật bền vững. Để ổn định hệ thống ngân hàng, cần tiếp tục tái cấu trúc, tạo lập cơ sở để nâng cao quản trị phát triển mới. Nếu như chúng ta không quyết liệt giải quyết những “điểm nghẽn” và không nâng cao kỹ năng quản trị sẽ khó thực hiện các mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng như đã đặt ra.
Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng phải tái cơ cấu nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công; trong đó kể cả phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, phải giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Hiện nay tất cả mọi gánh nặng đều đổ lên ngân hàng thương mại khi không thể nào giải quyết được bài toán về vốn. Về chính sách tài khóa, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp; trong đó có cải cách hành chính.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng
Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trần Hoàng Ngân cho biết: Trong 5 năm (2011 - 2015) Việt Nam tập trung chủ lực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Xuyên suốt mục tiêu đó, chúng ta đã tạo được ổn định kinh tế vĩ mô cho tới ngày hôm nay. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định như vậy sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế đã tăng vượt so với chỉ tiêu đề ra và đạt mức 6,68% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%). Với nền tảng đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 hoàn toàn có thể đạt mức 6,7%. Trong quá trình phát triển, điều quan trọng nhất là phải làm sao nâng cao được chất lượng tăng trưởng và tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cũng trong 5 năm qua, chúng ta đã dành thời gian, trí tuệ cho việc hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, tạo lập được nền móng của thể chế vững chắc.
Cụ thể là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, hoặc là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Từ đó, giúp ta có cơ sở về thể chế thúc đẩy cho quá trình tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong giai đoạn tới. Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua về các chỉ tiêu kinh tế xã hội; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,7%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%; tốc độ nhập siêu 5%... Các chỉ tiêu này là hoàn toàn khả thi; đồng thời Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp mà phải triển khai quyết liệt. Đặc biệt, lần này các giải pháp được đặt nặng vào các vấn đề xã hội; trong đó có đảm bảo an sinh xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm tải y tế; tai nạn giao thông... Những vấn đề này đã được ghi vào Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, từ năm 2013 nền kinh tế đã phục hồi và có sự phát triển nhất định, tuy rằng sự phát triển này chưa thật bền vững. Biểu hiện rõ ràng nhất là tăng trưởng GDP của năm sau cao hơn năm trước, quý sau hơn quý trước; năng suất lao động cũng có sự tăng trưởng nhất định, hệ số ICO cũng có sự giảm xuống, như vậy đảm bảo được chất lượng nền kinh tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh, cũng là điểm sáng so với 2010 theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hạ tầng giao thông của nước ta tăng 36 bậc; trong đó hạ tầng kinh tế nói chung tăng 24 bậc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định giao 8 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 khoảng 6,7%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP khoảng 31%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2016 là 41%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu kế hoạch năm 2016 khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5% là những chỉ tiêu được giao cho Bộ Công Thương. Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không bao gồm giường trạm y tế xã) là 24,5 giường, 76% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) 1,3 - 1,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 53% là những chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. |