Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo (IUU). Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và cũng là của người dân. Các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu UBND các tỉnh, thành ven biển phải quyết liệt hơn, buộc ngư dân thực hiện ngay các vấn đề về hoàn chỉnh trang thiết bị định vị tầm xa trên tàu cá; rà soát thật kỹ việc thực hiện chuỗi sản xuất cả ngừ đại dương; thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt đúng quy chuẩn, không vi phảm vùng biển nước khác… Các nghiệp đoàn nghề cá cũng là những tổ chức tự bảo vệ nhau khi hành nghề trên vùng biển xa.
Bình Định với lợi thế là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nước; ngư dân can trường và am hiểu cả 5 ngư trường vùng biển Việt Nam, là một trong 3 địa phương làm điểm thực hiện mạnh mẽ Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” IUU.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam là quốc gia có lợi thế tiềm năng về kinh tế biển, nhưng lại chưa xây dựng được một ngành kinh tế khai thác phát triển, hiện đại; cần đánh giá tài nguyên biển định kỳ 5 năm một lần để có chiến lược phát triển phù hợp.
Vấn đề khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 2 nghị định, 9 thông tư; đồng thời, các tỉnh cũng đã có hàng loạt các chế tài. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, vẫn còn một số tàu thuyền vi phạm vùng biển nước khác để khai thác dẫn đến việc EC tiếp tục gia hạn “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với các tỉnh Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh tổ chức triển khai luật song song với bước hoàn thiện các văn bản pháp luật. Đây là 3 địa phương mà lãnh đạo có quyết tâm rất cao, trong đó Kiên Giang và Bình Định là hai tỉnh có số lượng tàu công suất lớn nhiều nhất cả nước, trước đây có số tàu vi phạm khai thác ngoài vùng biển Việt Nam nhiều.
Chính vì thế nếu làm đột phá được 2 tỉnh này theo hướng khai thác bền vững có trách nhiệm và nuôi trồng đúng tiềm năng cộng với sản xuất theo chuỗi thì sẽ thúc đẩy nhanh hướng xây dựng ngành thủy sản theo hướng bền vững.
"Riêng tỉnh Quảng Ninh là tỉnh nằm ở Vịnh Bắc Bộ, có đặc điểm gắn phạm vi vùng biển với di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, do đó vấn đề quản lý môi trường biển, sinh thái biển nó gắn rất chặt với xu hướng phát triển ngành kinh tế du lịch bền vững, khai thác thủy sản dựa trên bảo vệ di sản thiên nhiên” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tại tỉnh Bình Định và Quảng Nam hiện còn hơn 540 tàu thuyền hành nghề giã cào không khai báo. Tỉnh Bình Thuận từ ngày 1/5 đến nay hoàn toàn không có tàu thuyền nào vi phạm vùng biển nước ngoài; tỉnh Khánh Hòa đã triển khai 12 lớp tuyên truyền về Luật Thủy sản và chương trình khắc phục “thẻ vàng” IUU.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, thời gian qua Bình Định là tỉnh quyết liệt nhất trong việc yêu cầu ngư dân thực hiện Luật Thủy sản và chương trình khắc phục “thẻ vàng” IUU với những hành động như: Ràng buộc chi bộ cơ sở không được đánh giá thi đua nếu địa phương đó có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; ký cam kết với chủ tàu, thuyền trưởng, ký càm kết trước khi xuất bến về việc không xâm phạm vùng biển nước ngoài; tước bằng thuyền trưởng và cấm hành nghề cá 6 tháng nếu vi phạm…
Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, theo thống kê, có đến 13 tàu thuyền của Bình Định đã xâm phạm vùng biển nước khác. Nhưng, phần lớn trong số đó không hoạt động tại Bình Định mà chỉ mang số hiệu tàu Bình Định và hoạt động ở các địa phương khác.
Bình Định đang quyết liệt hơn trong việc triển khai Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” IUU. Tỉnh này đang gấp rút thành lập các tổ, đội liên ngành túc trực tại các cửa biển ở địa phương 24/24 nhằm kiểm soát tàu cá. Dự kiến, tỉnh sẽ đề ra nhiều chế tài mạnh hơn nhằm khắc phục hoàn toàn tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển các nước.