Tham dự Hội nghị, về phía Indonesia, có ông Sakti Wahyu Trenggono - Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, ông Teten Masduki - Bộ trưởng Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, ông Denny Abdi - Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam cùng lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp Indonesia. Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Indonesia là người bạn tình nghĩa, là người láng giềng tốt, luôn đồng hành cùng Việt Nam; là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1955.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh cũng như những định hướng phát triển của tỉnh như: nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ, thương mại…. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn giữa tỉnh Khánh Hòa và các địa phương, các bộ, ngành của Indonesia tiếp tục có sự nghiên cứu, hợp tác trên những lĩnh vực hai bên có thế mạnh, cùng quan tâm; tăng cường giao lưu, hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ bền chặt, góp phần đóng góp vào sự phát triển chung giữa Việt Nam và Indonesia.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, mối quan hệ hữu nghị giữa Indonesia và Việt Nam tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2023, thương mại song phương của hai nước đạt 13,8 tỷ USD. Để sự hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, trong đó có tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, các nhà đầu tư hai bên cần hướng đến những lĩnh vực như kinh tế số, du lịch; hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia Sakti Wahyu Trenggono chia sẻ, Indonesia là một quốc gia có nhiều đảo, với trên 17.000 đảo, trải rộng trên 6,4 triệu km2 biển, chiều dài bờ biển trên 108 nghìn km, dân số trên 270 triệu người, trong đó có 140 triệu người sống ven biển. Để bảo vệ tài nguyên biển cũng như nguồn lợi thủy sản, Indonesia đang thực hiện những định hướng chính sách kinh tế xanh (trong đó đặt yếu tố sinh thái làm cốt lõi) như: mở rộng khu bảo tồn biển, đưa ra chính sách đánh bắt hải sản dựa trên hạn ngạch, tăng cường giám sát bờ biển và các đảo nhỏ, dọn sạch rác thải nhựa… Chính phủ Indonesia cam kết và khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực biển và thủy sản.
Tại Hội nghị, hai bên đã giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và khả năng hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Trong đó, hai bên ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tăng cường chuyển đổi số, tham gia hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế số.
Sau Hội nghị, các đại biểu Indonesia đã tham gia khảo sát thực địa tại khu vực khu nuôi cá chẽm của Công ty Australis, Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh, tham quan các địa điểm du lịch và tham quan Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cuộc sống Xanh… nhằm hiểu thêm tình hình kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư, hợp tác của tỉnh Khánh Hòa.