Tránh mua bảo hiểm kết hợp đầu tư khi chưa hiểu chế tài

Nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) hiện là bảo hiểm liên kết đầu tư; đồng nghĩa khách hàng mua bảo hiểm đã chuyển sang sân chơi đầu tư kinh doanh của các hãng bảo hiểm.

Chú thích ảnh
Xử lý kịp thời tư vấn, đại lý bán bảo hiểm nhân thọ thiếu trung thực.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Cần tránh hiện tượng mua BHNT kết hợp với đầu tư khi chưa hiểu rõ các chế tài áp dụng, cũng như những rủi ro của dạng sản phẩm này.

“Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư”

Theo luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, sản phẩm BHNT được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn là một sản phẩm hợp pháp. Việc đánh giá lợi ích của sản phẩm phải tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tham gia của khách hàng. 

“Nếu khách hàng mua sản phẩm hiểu đúng, đủ và toàn diện các điều kiện của sản phẩm bảo hiểm; đồng thời cân nhắc đúng về khả năng tài chính và nhu cầu của mình, khách hàng đã đánh giá sản phẩm BHNT có lợi ích với mình”, luật sư Trần Minh Hải cho biết.

Ngược lại, nếu khách hàng mua bảo hiểm trong điều kiện giao dịch không được tư vấn minh bạch, thậm chí tư vấn sai dẫn đến không phù hợp với mong muốn và năng lực tài chính của mình, việc tham gia sản phẩm bảo hiểm sẽ đi ngược lại lợi ích của khách hàng. “Sau những vụ vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm”, luật sư Trần Minh Hải đề xuất.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: Việt Nam đã có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó Thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. “Tôi mong Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục rà soát lại Thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, TS Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia này kiến nghị: Mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.

Cùng với đó, Chính phủ cần có Chương trình Quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. “Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần rà soát lại, gia cố lại nhân viên của mình. Ở Trung Quốc có quy định rõ: Tư vấn cần người có kinh nghiệm, sau 2 - 3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng. Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

“Về nguyên tắc, đầu tư có lợi nhuận và cũng có rủi ro theo luật chơi mà các hãng bảo hiểm đã soạn thảo rất chi tiết, trong đó có nhiều chế tài. Do vậy, cần tránh hiện tượng mua BHNT kết hợp với đầu tư khi chưa hiểu rõ các chế tài áp dụng, cũng như những rủi ro của dạng sản phẩm này. Đối với sản phẩm BHNT thông thường, khách hàng cần lưu ý và hỏi rõ đại lý bảo hiểm về điều kiện, đối tượng bảo hiểm để xác định mình có phù hợp không (gồm cả các điều kiện về bệnh lý, độ tuổi...). Số năm đóng phí bảo hiểm, phí bảo hiểm, cách đóng phí và chế tài về chậm đóng phí là các điều khoản mà khách hàng cần quan tâm sao cho bảo đảm với năng lực tài chính của mình. Giá trị hoàn lại là số tiền mà khách hàng cần rất quan tâm, vì đây là quyền lợi nhận lại khoản tiền từ hãng bảo hiểm”, luật sư Trần Minh Hải chia sẻ.

“Ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng: Vi phạm quy định!

Sản phẩm BHNT hiện được bán chủ yếu qua môi trường liên kết giữa các hãng bảo hiểm với các ngân hàng (bancassurance). Rất nhiều vụ việc tranh chấp cho thấy, quyết định mua bảo hiểm của khách hàng xuất phát từ sự cả tin vào những yếu tố mời chào hấp dẫn, thiếu minh bạch từ một số nhân viên ngân hàng hơn là dựa trên sự nghiên cứu, nhận thức rõ về sản phẩm bảo hiểm.

Nhiều vụ việc cho thấy, từ chỗ chỉ đơn thuần khách đến giao dịch gửi tiết kiệm tại ngân hàng, sau khi được tư vấn mời chào mua bảo hiểm đã chuyển số tiền định gửi tiết kiệm sang mua BHNT. Đến khi nhận thấy việc mua bảo hiểm vượt quá năng lực tài chính hay gặp phải các chế tài phạt, hoặc những yếu tố bất lợi, khách hàng mới khiếu kiện về những vấn đề bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa dối trong việc mua bảo hiểm của mình.

Hiện, Thông tư 86/2014 quy định rõ không được ép buộc mua bảo hiểm. Nhân viên phải giải thích rõ sản phẩm này không phải của ngân hàng và không bắt buộc. Thế nhưng thực tế vẫn xảy ra từ phía nhân viên ngân hàng bỏ qua quy định, tập trung lợi ích và nắm bắt tâm lý lợi ích của người mua.

“Các quy định của NHNN hiện không được ép mua bảo hiểm. Gần đây xuất hiện một số nhân viên bị giao chỉ tiêu, vì ngân hàng, tổ chức tín dụng đó có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm, mà độc quyền thì phải bổ trợ cho nhau nên mới có chuyện áp lực doanh số. Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề này chỉ là một số ngân hàng mà thôi. Ví dụ, một số hoạt động đặc thù như vay thấu chi với độ rủi ro cao nên chúng ta cần khuyến khích việc phát triển bảo hiểm”, TS Cấn Văn Lực cho biết. 

Luật sư Trần Minh Hải đề xuất: Cần xem xét lại cơ chế hợp tác liên kết bán bảo hiểm giữa các hãng bảo hiểm với các ngân hàng sao cho các áp lực chỉ tiêu hoàn thành doanh số của ngân hàng với hãng bảo hiểm, của nhân viên ngân hàng với ngân hàng không còn là yếu tố tác động vào quá trình tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng.

Xử lý nghiêm vi phạm qua thanh tra

Theo bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính: Để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; rà soát tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đảm bảo thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thưc hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của ngân hàng; thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm...

Về phía Bộ Tài chính cũng kịp thời nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn về bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm của DNBH và đại lý trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Đây cũng là thời điểm để thị trường bảo hiểm điều chỉnh sau một thời gian khá dài tăng trưởng nhanh chóng, phát triển chất lượng và bền vững hơn.

Việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hiểm không phải là quan điểm mà là trách nhiệm cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm phải thực hiện nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Việc thanh tra, kiểm tra về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chuyên đề ưu tiên được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện từ tháng 9/2022.

Năm 2023, Cục Quản lý bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các DNBH có bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp với NHNN để thanh tra, kiểm tra các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo TS Cấn Văn Lực, cần tiếp tục chuẩn hóa mẫu hợp đồng những sản phẩm liên kết vốn rất phức tạp phải có kiến thức chuyên ngành để hiểu về nó. Nên có bộ hợp đồng mẫu để các công ty bảo hiểm thực hiện. Bên cạnh đó, phải quy định rõ hơn nữa là trong hợp đồng phải có bản tóm tắt. Một vấn đề nữa là hệ thống tín dụng, các DNBH cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy trình, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn. với đội ngũ tư vấn cũng phải phân loại tiếp: Tư vấn thông thường cần có một đội ngũ riêng; với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cũng cần phải hình thành đội tư vấn chuyên nghiệp mới được làm.

"Với sản phẩm bảo hiểm liên kết, nếu người dân không hiểu biết và không chắc chắn, không yên tâm thì không nhất thiết phải tham ra sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa yêu cầu các doanh nghiệp BHNT rà soát lại quy trình bán các sản phẩm BHNT, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ BHNT cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng đề nghị doanh nghiệp BHNT cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia BHNT, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Minh Phương/Báo Tin tức
Bộ Tài chính họp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Bộ Tài chính họp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dự kiến họp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vào chiều 17/4, tại trụ sở Bộ Tài Chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN