Tiền đề từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm thu phí ETC trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhà đầu tư dự án – Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thống kê, hệ thống không xảy ra lỗi kỹ thuật, số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ xe vi phạm và các lỗi cũng ở mức thấp.
Bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng cho biết, đến thời điểm này, số lượng xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC trên tuyến đạt hơn khoảng 47.000 lượt xe/ngày đêm, bằng 107% lưu lượng trung bình so với trước khi thực hiện thí điểm. Mỗi ngày bình quân có thêm hơn 1.600 xe đăng ký dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí ETC, đa số chủ phương tiện chấp hành quy định, chỉ có 3 trường hợp cố tình gây rối, đơn vị quản lý vận hành đã phối hợp với lực lượng CSGT xử lý. Các trường hợp khác từ chối sử dụng dịch vụ ETC do không phải xe chính chủ, nên không dán thẻ đều bị từ chối phục vụ đi ra khỏi cao tốc.
Bên cạnh đó, các lỗi kỹ thuật và sự cố về thẻ, tài khoản không có tiền đều được giải quyết kịp thời, chỉ mất khoảng 2 phút/xe để chủ phương tiện dán thẻ, nạp tiền đi qua trạm. Vào các ngày cao điểm cuối tuần, lưu lượng xe tăng, nhưng không xảy ra ùn tắc cục bộ.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, trước khi thực hiện, nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng thành công của việc thí điểm chỉ thu phí ETC trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nhưng đến nay, chủ trương này cho kết quả khả quan, là tín hiệu tốt để thực hiện thành công thí điểm, đúng mục tiêu Chính phủ giao và tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao tính minh bạch trong thu phí và phát huy hiệu quả tuyến đường. Thêm vào đó, việc chỉ thu phí ETC còn phát huy tác dụng đối với các tuyến đường kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như QL10, cầu Bạch Đằng...
Từ kết quả này, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư dự án và nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục tập trung triển khai thí điểm trên các tuyến cao tốc khác. Còn các nhà đầu tư BOT đều khẳng định quyết tâm, cam kết sẽ hoàn thành hệ thống thu phí ETC trước ngày 31/7/2022.
Không lùi tiến độ
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Trong đó nhấn mạnh, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành thiết bị ETC tại các tuyến cao tốc trước ngày 31/7/2022; tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống trạm thu phí, xây dựng phương án triển khai thu phí ETC trên các tuyến cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Qua tìm hiểu, với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị từ Bộ GTVT, Bộ Công an, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị lắp đặt thiết bị, các địa phương vào cuộc, đến đầu tháng 7/2022, hơn 80% số trạm thu phí đường bộ, cao tốc trong cả nước, với 73% số làn thu phí đã lắp hệ thống thu phí ETC và 72,5% số phương tiện đã dán thẻ. Đây là cơ sở để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra. Khối lượng các trạm thu phí hiện nay chỉ còn 214/817 làn (gần 27%) phải lắp đặt hệ thống thu phí ETC.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí ETC mới đây, tính khả thi để hoàn thành mục tiêu thu phí ETC trên tòn quốc là có, nhưng phải có nhiều giải pháp và quyết tâm cao mới thực hiện được. Vì vậy, các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng, chủ đầu tư phải thống nhất cao, chậm nhất ngày 31/7 sử dụng thu phí ETC tại tất cả các trạm thu phí. Kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc (ngoại trừ 16 trạm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không triển khai). Sau thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa hoàn thành sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đang tập trung phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC chủ động tuyên truyền, phổ biến lợi ích, cũng như các quy định liên quan để người dân biết, nắm rõ và đồng thuận thực hiện; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ dán thẻ, tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dán thẻ, mở tài khoản thuận lợi nhất.
Để đảm bảo mục tiêu, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các nhà đầu tư BOT, hỗ trợ các địa phương triển khai lắp đặt các làn thu phí còn lại, đảm bảo chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy, hoàn thành trước ngày 31/7/2022 và xem xét tạm dừng thu phí đối với các trạm triển khai chậm tiến độ; rà soát, hoàn thiện hệ thống vạch sơn, biển báo tại các trạm thu phí và xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông, kết nối liên thông khi chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương, VEC, các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ xây dựng phương án triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với các tuyến cao tốc; hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường dán thẻ, mở rộng dịch vụ, bảo đảm hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thông báo số 186/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thu phí ETC thay thế cho hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Việc triển khai thu phí ETC là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và phân công nhiệm vụ tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai hệ thống thu phí ETC.