So với vụ trái cây năm 2018, giá bán các loại trái cây này đều tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, riêng chanh tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Cụ thể, giá sầu riêng Moong Thon được bán tại vườn từ 80.000 – 85.000 đồng/kg, măng cụt từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, nhãn da bò 17.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 18.000 đồng/kg, chanh không hạt từ 30.000 – 32.000 đồng/kg…
Nhà vườn Kha Văn Hồng, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết, năm nay thời tiết không có mưa sớm từ tháng 2, tháng 3 Âm lịch như năm trước nên tất cả cây ăn trái trong giai đoạn ra bông đậu trái rất cao, năng suất tăng hơn 10 %. Đặc biệt, cây chôm chôm cho năng suất rất cao.
Theo ông Hồng, gia đình có 0,2ha chôm chôm đang bước vào thu hoạch đầu vụ, năng suất dự kiến đạt trên 6 tấn, nếu so với năm 2016 thì tăng gấp 5 lần. Với giá chôm chôm như hiện nay, có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Nhà vườn Đỗ Văn Tài, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chuyên trồng cây đặc sản măng cụt phấn khởi cho biết, đây là năm đầu tiên giá măng cụt lên tới 80.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước. Từ đầu tháng 4 Âm lịch, thương lái từ Tp. Hồ Chí Minh đã tìm đến các nhà vườn đặt hàng thu mua măng cụt theo giá mua sô từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết nhà vườn ở Cầu Kè không bán do măng cụt nơi đây nổi tiếng hàng chục năm qua.
Không phải loại trái cây đặc sản, nhưng số nhà vườn trồng chanh không hạt và chanh bông tím ở Trà Vinh cũng cho thu nhập cao nhờ giá tăng. Nhà vườn Nguyễn Văn Hạnh, ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè cho biết, giá chanh từ tháng 3 đến nay được thương lái mua với giá khá cao như: chanh bông tím có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, chanh không hạt từ 30.000 – 32.000 đồng/kg. Gia đình ông hiện có 0,2ha chanh không hạt trồng xen bưởi da xanh và với giá chanh hiện nay dự kiến thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Hiện Trà Vinh có hơn 6.800 ha cây ăn trái, gồm: xoài với trên 1.150 ha, cam sành (1.830 ha), bưởi (880 ha), nhãn (gần 1.650 ha) và chuối trên 1.630 ha…; trong đó, diện tích vườn cây ăn trái huyện Cầu Kè chiếm gần 5.000 ha. Giá trị sản lượng cây ăn trái của tỉnh trong 5 năm qua đạt bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm.
Trong chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản tại các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, với mục tiêu phấn đấu đạt diện tích 20.000 ha vào năm 2020.
Đối với huyện Cầu Kè, nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng ven sông Hậu giàu phù sa và nước ngọt quanh năm được tỉnh quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái chủ lực gắn với du lịch. Theo đó, tổng diện tích vườn cây ăn trái đặc sản của huyện khoảng 4.000 ha.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư khoảng trên 620 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Trà Vinh còn thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của tỉnh đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm.