Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đạt sản lượng nuôi trồng khoảng hơn 200.000 tấn; trong đó, sản lượng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng hơn 100.200 tấn, nhằm góp phần đưa giá trị tăng thêm lĩnh vực thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.
Để đảm bảo đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh rà soát lại quy hoạch, ưu tiên chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi thuỷ sản, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu sản xuất nguồn con giống chất lượng cao để cung ứng cho nhu cầu nuôi trồng; đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao và tăng cường hỗ trợ hộ nông dân có điều kiện về đất đai, nguồn vốn để đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao để gia tăng thu nhập kinh tế.
Trước và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều nông dân ở các huyện vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh, như: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải tranh thủ thời tiết và môi trường nước đạt độ mặn thích hợp đã tập trung thả nuôi con giống thủy sản, chủ yếu là cua biển, tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Tòng, xã Long Vĩnh, huyện Cầu Ngang cho biết, từ đầu tháng 1/2025, độ mặn trên các nhánh sông, rạch tại địa phương đã tăng cao từ 6 - 15‰ thích hợp để thả nuôi cua biển và tôm thẻ, tôm sú giống. Điều thuận lợi hơn trước và trong dịp Tết Ất Tỵ, thời tiết mát mẽ, không nắng gay gắt nên gia đình ông tranh thủ thả tôm giống 2 ao nuôi có diện tích hơn 1 ha cho vụ nuôi tôm thẻ đầu tiên trong năm.
Ông Phạm Hữu Vinh, ở thị trấn Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, cũng vừa thả xong tôm thẻ giống với mật độ thả tôm giống 178 con/m2 cho ao nuôi theo mô hình công nghệ cao, diện tích 3.200 m2, vào ngày 25/1. Ông Vinh cho biết, năm nay thời tiết, môi trường nước của vụ nuôi tôm đầu tiên rất thuận lợi. Đối với mô hình nuôi tôm theo phương pháp hiện đại thì độ an toàn và tính hiệu quả càng cao hơn và bền vững hơn.
Nhờ quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, ao nuôi bố trí có lót bạt đáy và thành ao, có nhà lưới bao che, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, hạn chế rất thấp môi trường nước ao nuôi bị lẫn nhiều tạp chất.
Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao. Ao nuôi tôm được sử dụng quạt nước 24/24 giờ đảm bảo lượng ôxy trong nước, giúp tôm khỏe và ăn mạnh hơn. Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.