Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh chiều 1/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ 30/8 đến nay, 22.124 người giao hàng công nghệ (shipper) của 33 đơn vị đã đăng ký hoạt động trở lại tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cụ thể, ngày 30/8 có 7.481 shipper đã đáp ứng các yêu cầu và đã giao nhận 138.101 đơn hàng; ngày 31/8, đã có 8.942 shipper đã đáp ứng các yêu cầu và đã giao nhận 163.332 đơn hàng.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết: "Ngay sau khi nhận được chỉ thị cho phép lực lượng giao hàng hoạt động, Shopee đã nhanh chóng phối hợp với các đối tác vận chuyển để tăng cường số lượng nhân viên giao hàng cũng như các trang bị an toàn nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong bối cảnh Thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách tại nhiều khu vực. Theo đó, đã có hàng ngàn đơn hàng được giao thành công trong 2 ngày qua".
Tương tự, kể từ ngày 30/8, Lazada cũng đã giao thành công hàng chục ngàn đơn hàng cho người dân TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân sau khi Thành phố cho phép các lực lượng shipper được lưu thông trở lại. Hiện đơn vị đã tập trung mở rộng nguồn cung hàng hóa cũng như triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên, đối tác và khách hàng, dự kiến lượng đơn hàng sẽ tăng cao trong những ngày tiếp theo.
Đội ngũ shipper Tiki, Sendo, Grab... cũng đã thực hiện giao hàng ngay cho người dân ngay khi được phép của Thành phố. Tất cả các lực lượng giao hàng và đối tác giao hàng của các đơn vị trên đều được trang bị đầy đủ bộ nhận diện thương hiệu cũng như giấy xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19; đồng thời, các shipper cũng thường xuyên được nhắc nhở thực hiện đúng quy định 5K và giao hàng không tiếp xúc.
Theo ông Phương, sau khi cho phép shipper hoạt động trở lại từ ngày 30/8, nhu cầu về đơn hàng "đi chợ hộ" của người dân giảm nên áp lực hệ thống phân phối cũng giảm theo, nhờ vậy tốc độ chuẩn bị đơn hàng cũng nhanh hơn. Theo đó, tình hình chậm trễ đơn hàng, quá tải giảm xuống rất nhiều so với ngày đầu triển khai việc "đi chợ hộ".
"Trước đây, một siêu thị, cửa hàng chỉ được cung ứng hàng hóa cho 1-2 phường thì giờ đây hàng hóa có thể phân phối cả quận thông qua đội ngũ shipper”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Sắp tới, để điều chỉnh việc cung ứng hàng hóa cho phù hợp, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu 22 địa phương rà soát lại việc cung ứng hàng hóa, phân bổ điểm bán. Trường hợp các cửa hàng, siêu thị có dấu hiệu quá tải thì phải báo lại với Sở Công thương để phân bổ lại nguồn lực.
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho hệ thống nhân viên siêu thị, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong đợt cấp giấy đi đường đầu tiên vào ngày 22/8, Công an TP Hồ Chí Minh cấp cho Sở 40.000 giấy. Sở đã cấp 38.228 giấy cho các đơn vị, còn lại 1.772 giấy. Đây là số lượng dự phòng trong trường hợp các đơn vị gặp khó khăn, trục trặc; chẳng hạn nếu đơn vị nào có F0 thì sẽ có lực lượng bổ sung ngay.