TP Hồ Chí Minh: Không còn cảnh xếp hàng chờ rút tiền mặt ở các trụ ATM

Nhờ việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đa dạng sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng, áp lực rút tiền mặt trong những ngày cận Tết ở TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt. Hệ thống thanh toán qua ngân hàng cũng ổn định và đáp ứng tốt, dù nhu cầu thanh toán thường tăng cao vào dịp này.

Chú thích ảnh
Người dân sử dụng thẻ nội địa tại máy rút tiền tự động của BIDV. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Không còn cảnh xếp hàng chờ rút tiền

Khác với hình ảnh thường thấy mọi năm, các trụ ATM đóng ở các khu công nghiệp – chế xuất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây hầu như không còn hình ảnh người dân xếp hàng chờ rút tiền. Dù lượng người dân rút tiền có tăng lên so với ngày thường, nhưng không đông như những năm trước.

Theo chị Thùy Linh, nhân viên hành chính tại một công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình (Tp. Hồ Chí Minh), thói quen sử dụng tiền mặt đã có nhiều thay đổi sau đại dịch COVID-19. Hầu hết các dịch vụ mua bán, thậm chí ở các chợ truyền thống hiện nay đều có thể quét mã QR hoặc dùng thẻ thanh toán nên người dân không cần phải chuẩn bị nhiều tiền mặt. Chưa kể, việc mang nhiều tiền mặt đến những nơi đông người còn tiềm ẩn rủi ro mất cắp, hay đánh rơi.

Đối với nhu cầu sử dụng tiền mặt, chị Linh cũng cho biết: Hiện ở mỗi cụm cư dân, chung cư đều có các trụ ATM, cao cấp thì có máy CDM. Các ngân hàng lại liên thông với nhau, nên việc rút tiền mặt vào những ngày cận Tết không còn quá áp lực như trước.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho hay, năm nay hệ thống máy ATM đặt tại các khu chế xuất – khu công nghiệp gần như không còn tình trạng xếp hàng chờ rút tiền. Những tiện ích từ dịch vụ thanh toán qua app ngân hàng, POS, ví điện tử… đã tạo cho người công nhân, người lao động nhiều sự lựa chọn cho mua sắm tiêu dùng và đi lại, mọi lúc mọi nơi.

Do đó, không còn khó khăn phát sinh liên quan đến nhu cầu rút tiền mặt tại các máy ATM trong khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Những sự cố phát sinh liên quan đến đường truyền; đến vận hành máy… mang tính khách quan và đều được các tổ chức tín dụng xử lý kịp thời và thông tin, hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, tại các siêu thị, lượng khách hàng mua sắm rất đông phải xếp hàng chờ thanh toán, song với với sự sắp xếp khoa học các luồng cùng đa dạng các phương thức thanh toán đã giúp việc thanh toán tại các siêu thị nhanh chóng, tiết kiệm thời gian rất nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, những kết quả trên phản ánh hiệu quả thiết thực, trực tiếp của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và mang lại ý nghĩa to lớn cho hoạt động thương mại dịp cuối năm, mùa mua sắm Tết.

Dữ liệu của NAPAS cũng cho thấy xu hướng rút tiền mặt ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong năm 2024, giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với năm trước đó. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Theo NAPAS, điều này phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/thanh toán bằng mã VietQR.

Đối với một số vướng mắc của người dân liên quan thời gian chờ thanh toán, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân là do số lượng lệnh thanh toán chuyển tiền lớn, song đều được xử lý kịp thời.

“Đây là khó khăn khách quan mang tính kỹ thuật. Nhìn chung, kết quả của hoạt động thanh toán thông suốt, an toàn và hiệu quả những ngày cuối năm đã khẳng định hiệu quả của hệ thống thanh toán liên ngân hàng và thanh toán của các tổ chức tín dụng, vận hành tốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt

Để đảm bảo hoạt động thanh toán ổn định, mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chỉ đạo ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn đảm bảo hệ thống thanh toán thông suốt phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất tỵ năm 2025.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu Tổng giám đốc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn chỉ đạo vận hành hệ thống thanh toán hoạt động liên tục, ổn định, an toàn, thông suốt.

Các ngân hàng thương mại có ngân hàng số, trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng trung gian thanh toán… bảo đảm sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời xử lý các sai sót, sự cố xảy ra để đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025.

Các ngân hàng và trung gian thanh toán phối hợp với cơ quan chức năng phòng, ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM. Đặc biệt, tăng cường cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội công nghệ cao, để có phương án phối hợp với lực lượng chức năng và các đơn vị có liên quan để xử lý, ngăn chặn hành vi lừa đảo trong thanh toán đặc biệt đối với hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.

Đối với nhu cầu rút tiền mặt tăng cao dịp này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố yêu cầu các tổ chức tín dụng phải theo dõi sát tình hình thu, chi tiền mặt trong hệ thống để kịp thời có phương án xử lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của khách hàng trước, trong và sau dịp Tết. Kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, đặc biệt khi nhu cầu rút tiền lớn thường tập trung vào thời điểm giáp Tết, hạn chế thấp nhất việc xảy ra tình trạng ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng.

Song song đó, cơ quan này cũng lưu ý các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Điều này liên quan trực tiếp đến các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay qua thẻ tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng cho vay qua App, ví điện tử liên kết với đối tác cung cấp dịch vụ trả sau.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng thương mại có nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, cung ứng các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài. Các ngân hàng thương mại ký đại lý uỷ quyền với các tổ chức kinh tế để mở bàn thu đổi ngoại tệ, tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ vi phạm quy định pháp luật về ngoại hối…

H.Chung (TTXVN)
Thí điểm thanh toán dịch vụ trông xe không dùng tiền mặt tại Hà Nội
Thí điểm thanh toán dịch vụ trông xe không dùng tiền mặt tại Hà Nội

Ngày 24/1, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch mở rộng phạm vi thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán dịch vụ trông giữ xe không sử dụng bằng tiền mặt trên toàn thành phố, nhằm từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh; tiến tới không dùng tiền mặt và minh bạch trong việc thu phí dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN