TP Hồ Chí Minh: Giá thực phẩm, dịch vụ vẫn 'neo' cao

Khi giá xăng dầu tăng cao, các mặt hàng dịch vụ, ăn uống... được điều chỉnh tăng theo. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh thì giá hàng hóa, dịch vụ vẫn “neo” ở mức cũ mà không có dấu hiệu giảm.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả tại TP Hồ Chí Minh đều giữ nguyên giá, chưa có dấu hiệu giảm khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Chưa có mặt hàng nào giảm giá

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" theo giá xăng dầu. Cụ thể, giá trứng gà bán ra dao động ở mức 32.000 - 35.000 đồng/chục, trứng vịt dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/chục, tăng 1.500 - 2.000 đồng/chục so với tháng trước; thịt gà công nghiệp ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg; giá dầu ăn 55.000 - 85.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng/lít so với tháng trước.

Tương tự, giá nhiều loại rau củ, quả tại chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, rau muống có giá 20.000 đồng/kg, rau cải xanh có giá 25.000 đồng/kg, rau mồng tơi có giá 25.000 đồng/kg, các loại rau gia vị 25.000 đồng/kg, khoai tây có giá 60.000 đồng/kg, su su có giá 20.000 đồng/kg, dưa leo có giá 30.000 đồng/kg…

Trong khi đó, giá các loại rau củ, quả ở chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức vẫn được giữ ổn định so với tháng 7 và không có tình trạng tăng đột biến. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin, lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm đạt khoảng 2.500 tấn với giá tương đối ổn định; trong đó có một số loại rau củ, quả đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với tháng trước. Tương tự, tại chợ đầu mối Hóc Môn, hàng nhập chợ dao động ở mức 2.400 tấn mỗi đêm với mức giá vẫn tương đương so với thời điểm tháng 7.

Theo đại diện các siêu thị và doanh nghiệp, ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh, các nhà phân phối, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà sản xuất để giảm giá cho người tiêu dùng, tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn chưa điều chỉnh giá bán.

Đại diện siêu thị Emart cho biết, đơn vị cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nhưng hiện nay chưa có mặt hàng nào được giảm giá. Mặc dù các nhà cung cấp đã cam kết xem xét lại giá thành đầu vào để điều chỉnh giá bán cho phù hợp, tuy nhiên họ vẫn chưa nói rõ khi nào điều chỉnh giá và sẽ điều chỉnh cho mặt hàng nào. Hiện siêu thị cũng đang chờ các doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh giá bán để có thể niêm yết giá mới. Trong khi chờ sự điều chỉnh của các nhà sản xuất, đơn vị cũng đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Mặt hàng trứng gia cầm đã được điều chỉnh tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng.

"Đối với các mặt hàng tươi sống, do chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu nên việc tăng và giảm giá cũng sẽ nhanh hơn các mặt hàng khác. Có thể sẽ phải cần đến 1,5 tháng để thay đổi giá bán", vị đại diện này cho biết.

Liên quan đến việc giá trứng gia cầm không giảm mà còn tăng, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cho biết, sở dĩ các mặt hàng giá trứng gia cầm bình ổn vừa được điều chỉnh tăng giá là do giá thức ăn, bao bì, tem nhãn, nhân công tăng 10 - 20% so với năm ngoái và khả năng giá sẽ còn tăng tiếp. "Chỉ riêng giá xăng dầu giảm hiện nay chưa đủ cơ sở để giảm giá bán trứng, bởi giá thành của mặt hàng trứng còn dựa trên nhiều yếu tố khác cấu thành như giá thức ăn, bao bì, nhân công…", bà Phạm Thị Huân cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, khi giá thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu tăng liên tục thời gian qua thì việc giảm giá bán thực phẩm dựa theo mức giảm giá xăng dầu hiện nay là không khả quan. Thậm chí, một số mặt hàng chế biến như xúc xích, giò chả... có thể sắp tới sẽ phải tăng giá bán để hạn chế thua lỗ do giá đầu vào tăng nhanh.

Cần có độ trễ nhất định

Chia sẻ tại triển lãm Vietfood & Beverage - Propack 2022 ở TP Hồ Chí Minh, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, để giá thực phẩm nói riêng và giá hàng hóa nói chung giảm nhanh thì cần nhiều yếu tố và luôn có độ trễ nhất định. 

Theo ông Trương Tiến Dũng, giá cả tiêu dùng leo thang là do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu, nhưng yếu tố quyết định chính giá thành sản phẩm là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công lại đang tăng. Hiện các yếu tố này cùng chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… đều chưa có dấu hiệu giảm.

Trong khi đó, sau hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm đang bị tác động nặng nề về nguồn cung ứng. Ngay cả thực phẩm nhập khẩu cũng bị hạn chế hơn do nhiều nước đối mặt với tình trạng lạm phát, thiếu hụt nguồn cung. Trong nước, ngành nông nghiệp đang nỗ lực khôi phục nhưng chưa thể về được trạng thái như trước dịch, vì thế một số nguyên liệu vẫn còn thiếu và giá bán cao theo quy luật cung cầu. 

Chú thích ảnh
Các siêu thị đang mang hàng bình ổn giá đến phục vụ công nhân tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. 

Chia sẻ thông tin về quản lý giá cả hàng hóa trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, giá xăng dầu trong quá trình tăng đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, làm cho chi phí tăng. Đối với hệ thống phân phối là các chợ, siêu thị, giá tăng chủ yếu do cước phí vận tải. "Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp điều chỉnh giá cước phí tăng lên tác động trực tiếp lên giá phân phối. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa rồi thì giá cước phí vẫn chưa được điều chỉnh giảm nên khó có cơ sở nhắc các cơ sở phân phối điều chỉnh giảm giá hàng hóa", ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, các biện pháp quản lý giá được Sở tham mưu hàng năm cho UBND TP Hồ Chí Minh, đặc biệt thông qua chương trình bình ổn thị trường, ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu, trong đó có lương thực thực phẩm, hàng hóa phục vụ học sinh, sữa trẻ em và dược phẩm. Ngoài bình ổn thị trường còn các giải pháp khác liên quan, trong đó có giải pháp kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng từ các địa phương khác, đặc biệt là lương thực thực phẩm với giá cả tốt nhất; đồng thời còn có các chương trình kích thích tiêu dùng nhằm giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên, qua đó chi phí sản xuất giảm, giá cả hàng hóa ổn định hơn.

Để kìm chế sự tăng giá của nhiều mặt hàng, vừa qua, ngành công thương cũng đã có các giải pháp kích thích các hệ thống phân phối giữ chiết khấu mức hợp lý, không tăng theo tình hình giá xăng dầu. Sau cùng, Sở cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tính toán giải pháp kết nối nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, sắp tới, Sở sẽ xử lý nghiêm những điểm kinh doanh vi phạm việc tăng giá không đúng quy định, đồng thời vận động các doanh nghiệp bình ổn cung ứng hàng hóa với mức giá ưu đãi, tối giản chi phí kinh doanh nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang ra quân kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh cố tình găm hàng, giảm giá “nhỏ giọt” gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý các vi phạm về giá bán, góp phần bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Cổng chào Công viên nước Đầm Sen đổ sập xuống đường
TP Hồ Chí Minh: Cổng chào Công viên nước Đầm Sen đổ sập xuống đường

Cổng chào Công viên nước Đầm Sen (Quận 11, TP Hồ Chí Minh) cao khoảng 5 m bất ngờ đổ sập xuống đường Hoà Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN