Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đợt dịch COVID-19 thứ tư diễn biến phức tạp khiến TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội trong 4 tháng với nhiều cấp độ, đã tác động mạnh đến tất cả hoạt động kinh tế - xã hội ở thành phố. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất HĐND Thành phố lùi thời gian thu phí cảng biển đến ngày 1/4/2022. Đây là lần thứ hai, TP Hồ Chí Minh đề nghị lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển (thay vì áp dụng từ tháng 7/2021, HĐND Thành phố đã chấp thuận lùi đến đầu tháng 10/2021).
Đề án thu phí hạ tầng cảng biển được UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng với kỳ vọng mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng với mức thu thấp nhất là 15.000 đồng mỗi tấn hàng và cao nhất là 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Số tiền thu được sau khi trích tối đa 1,5% cho đơn vị thu phí sẽ nộp ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực gần cảng. Việc thu phí được thực hiện không bằng tiền mặt mà qua hệ thống điện tử; sử dụng nhân lực tại cảng.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố có vị trí địa lý cảng biển và sản lượng hàng hóa qua cảng biển tương đồng với Hải Phòng. Các khu, bến cảng nằm dọc theo sông từ phía Đông xuống phía Nam trải dài qua nhiều quận, huyện (4, 7, Nhà Bè, thành phố Thủ Đức) và nhiều tuyến đường với chiều dài hơn 80 km. Mỗi ngày, có khoảng 26.000 lượt xe chở hàng hóa dùng các tuyến đường của thành phố để ra vào cảng khiến giao thông luôn quá tải. Vì vậy, để có vốn phát triển giao thông kết nối cảng biển trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Sở đề xuất việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về địa lý và cơ sở pháp lý.
"Khi giao thông xung quanh cảng tốt lên, thời gian vận chuyển hàng được rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi. Các cảng sẽ phát triển đúng năng lực và ngân sách thành phố, nhờ vậy tăng thêm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, VAT...", ông Lê Hòa Bình nói.