TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong các tháng cuối năm, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu thị trường bán lẻ vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt, đạt 680.602 tỷ đồng, chiếm 64% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 127.710 tỷ đồng, chiếm 18,8% trong doanh thu bán lẻ, tăng 9,5%; lương thực, thực phẩm đạt 116.073 tỷ đồng, chiếm 17,1% trong doanh thu bán lẻ, tăng 13,1%; xăng dầu các loại đạt 56.366 tỷ đồng, chiếm 8,3%, tăng 7,4%...

"Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 59.389 tỷ đồng, chiếm 5,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 54.582 tỷ đồng, giảm 36%; dịch vụ lưu trú đạt 4.807 tỷ đồng, giảm 48,3%. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa trong tình hình mới, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, những tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, thành triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình kích cầu tiêu dùng, hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành; thực hiện các chương trình hội chợ khuyến mãi, giảm giá hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín trên thị trường với nhiều hình thức khuyến mãi từ 10 - 49% và nhiều quà tặng khi mua hàng; tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu giúp tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường thành phố, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài ra, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19; hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, ưu tiên các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP của các tỉnh thành, địa phương trong cả nước; tập trung hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh...

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tham gia chương trình OCOP để tìm đường tới người tiêu dùng
Tham gia chương trình OCOP để tìm đường tới người tiêu dùng

Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nhiều sản phẩm tiềm năng. Các đơn vị tham gia chương trình OCOP để mở rộng thị trường với những sản phẩm chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN