TP Hồ Chí Minh: Cao điểm mùa du lịch hè, giá vé máy bay tăng cao, sân bay 'quá tải'

Trong giai đoạn cao điểm du lịch hè, nhu cầu đi lại của người dân vì thế cũng tăng, khiến giá vé máy bay cũng tăng theo. Không chỉ thế, sân bay Tân Sơn Nhất cũng quá tải do lượng hành khách tăng cao.

Chú thích ảnh
Dịp hè, nhiều gia đình tại TP Hồ Chí Minh đưa các con về quê gửi ông bà nên đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. 

Chị Mai Thị Hồng, ngụ quận Gò Vấp cho biết: "Tôi vừa đặt 3 vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội vào ngày 21/7. Giá vé máy bay khá cao: 15 triệu đồng/người khứ hồi. Đây là mức giá tôi đặt bay sáng sớm trước 6 giờ, nếu bay vào giờ cao điểm hay cuối tuần giá sẽ tăng thêm từ 300.000 – 1 triệu đồng/người/chiều.

Theo một số người dân TP Hồ Chí Minh, sở dĩ hiện nay họ phải chấp nhận mua vé máy giá cao là do đang vào kỳ nghỉ hè, các con được nghỉ học nên đưa các con về quê thăm ông bà và nghỉ hè luôn.

Ngoài ra, giá vé máy bay tăng cao cũng đang khiến những người có nhu cầu đến các điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt…. khó đặt vé. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, gia đình anh gồm 5 người đã lên kế hoạch đi du lịch Đà Lạt vào cuối tháng 7. Thế nhưng, giá vé máy bay tăng cao không ngờ, nên gia đình đang đắn đo.

Chú thích ảnh
Lượng hành khách qua sân Tân Sơn Nhất khá cao khiến sân bay này luôn rơi vào tình trạng "quá tải".

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, giá vé khứ hồi của một hãng bay giá rẻ là khoảng 8 triệu đồng, các hãng khác từ 12-16 triệu đồng. Mức giá này đã tăng hơn 500.000 – 1.2 triệu đồng/người/chiều so với thời điểm trong tháng 6.

Có thể thấy, tại nhiều kênh bán vé online, ứng dụng đặt vé hàng không - du lịch giá vé nhiều chặng bay nội địa từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Nha Trang… đều ở mức cao, đặc biệt ở những khung giờ đẹp trong ngày. Ví dụ, chặng TP Hồ Chí Minh – Đà Lạt, giá vé một chiều của Vietjet Air khởi hành từ ngày 20-22/7 gần 1,2 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí), giá vé bay sau 18 giờ khoảng 3,2 - 4,3 triệu đồng/vé. Còn ở chặng TP Hồ Chí Minh – Nha Trang cùng khung giờ đi Đà Lạt thì giá vé Vietjet Air dao động từ 1,1 – 1,6 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines từ 1,6 triệu – 4,3 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí). Trong tất cả các chặng bay nội địa thì chặng bay từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh/thành phía Bắc có giá vé cao hơn. Chặng TP Hồ Chí Minh - Quảng Ninh khởi hành sáng 20-22/7 của Bamboo Airways giá vé lên tới 2,7 triệu đồng/vé/chiều (đã bao gồm thuế, phí). Chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội giá vé khứ hồi bình quân 2,6 - 9 triệu đồng/vé, tăng từ 30 - 50% so với tháng 5 - 6. Đáng chú ý, một số ngày cuối tuần của tháng 7 và đầu tháng 8, chặng bay này của Bamboo Airways và Vietnam Airlines có giá vé đến 4,5 - 5,9 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí) và 10 triệu đồng/vé khứ hồi.

Lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt kỉ lục

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, nhu cầu đi lại trên các chặng nội địa và quốc tế đều tăng cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, khách nội địa của hãng vượt 13% so với năm 2019. Hiện nay, hãng cũng đã nối lại gần 55% đường bay quốc tế, tương đương năm 2019. Lượng khách bay đi các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang chiếm đa số.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại Sân bay Tân Sơn Nhất. 

Thống kê của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong ngày 15/7, đơn vị đã khai thác tổng cộng 727 chuyến, trong đó có 558 chuyến bay quốc nội, còn lại chuyến bay quốc tế. Tổng lượng hành khách đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục đạt con số kỷ lục, vượt 123.000 lượt. Đây là con số cao nhất kể từ khi có dịch COVID-19 đến nay. Ngoài ra, trong số hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách quốc tế đang tăng dần lên và có dấu hiệu phục hồi nhanh. Cụ thể, trong ngày 15/7, có tổng cộng hơn 24.000 lượt khách quốc tế đi và đến. Đáng chú ý, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh, đặc biệt là trong dịp hè, bất chấp giá vé máy bay đang ở mức cao những ngày qua.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thị trường hàng không 6 tháng đầu năm 2022 mới đây cũng cho thấy, tổng lượng hành khách tại thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019. Hiện 5 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác gần 60 đường bay nội địa. Đặc biệt, các hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang...

Cụ thể, tần suất khai thác đi/đến Phú Quốc hiện tại đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày, so với năm 2019 chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa/ngày. Riêng tháng 6, hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa đạt rất cao,  từ 85- 87% tùy hãng bay. Điều này cho thấy, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục khi nhu cầu đi lại của người dân đang tăng cao.

Chú thích ảnh
Lượng hành khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất cao nhất vào các ngày cuối tuần. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc giá vé máy bay tăng cao đột ngột đang gây khó cho khách hàng, do đó rất khó phục hồi ngành du lịch bền vững. Nguyên nhân, giá vé máy bay tăng khiến các công ty lữ hành buộc phải điều chỉnh tăng giá tour, nếu không thì phải bù lỗ, điều này khó đạt yêu cầu kích cầu du lịch và níu chân du khách sau mùa dịch bệnh.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Quý III/2022 khởi công Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất
Quý III/2022 khởi công Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 204/TB-VPCP ngày 13/7/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp các dự án đang triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN