Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN |
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản 2 tháng đầu năm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, mặt hàng rau quả tăng 31,1%, cà phê tăng 21,1%, cao su tăng 144%.
Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm như: gạo giảm 21,4%, hạt tiêu giảm 26,9%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 15,8%.
Cùng đó, nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt gần 0,7 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 1,9%.
Ngoài ra, nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 22 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 80,6%, các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, so với cùng kỳ, giá bình quân của đa số các mặt hàng đều tăng đã đóng góp cho tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 736 triệu USD.
Chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu giảm nhưng có mức giảm sâu như hạt tiêu giảm 21,1%, quặng và khoáng sản khác giảm 48,4%, do giá thế giới giảm. Tuy nhiên do quy mô xuất khẩu các mặt hàng này không cao nên không ảnh hưởng đến mức tăng xuất khẩu chung.
Đáng lưu ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Do đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay vào thị trường này đạt 18,9% và chiếm tỷ trọng 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tiếp đến là thị trường châu Á, thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt mới đây khu vực Đông Á đã có dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một tín hiệu khả quan trong khi nước ta đã từng bước tiếp cận và tận dụng được các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Một số thị trường truyền thống vẫn được giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả. Các thị trường xuất khẩu truyền thống trong khu vực ASEAN có mức tăng trở lại.
Theo các chuyên gia Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự sụt giảm hầu hết về lượng đối với xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm thủy sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ các thị trường như Campuchia, Philippines, Bangladesh, Pakistan... Do đó, cần có các giải pháp về dài hạn để ổn định năng lực xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu có kim ngạch gia tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm như sắt thép phế liệu, ô tô dưới 9 chỗ… Đối với mặt hàng ô tô, nguyên nhân chủ yếu là gia tăng nhập khẩu từ ASEAN và Ấn Độ.
Cụ thể, do thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).