Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lãi 365 tỷ đồng sau cổ phần hóa

Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, tổng lãi năm 2018 của Vinalines sau cổ phần hóa đạt 365 tỷ đồng, lợi nhuận khối cảng biển 1.022 tỷ đồng, lợi nhuận khối dịch vụ hàng hải 83 tỷ đồng và lợi nhuận khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỷ đồng, giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch.

Theo đó, sản lượng vận tải biển của VIMC năm 2018 đạt 26,7 triệu tấn, tăng 24,5% so với kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2017. Tổng doanh thu đạt 13.997 tỷ đồng, vượt 2,6% so với kế hoạch.

Về khối hoạt động cảng biển, tính đến tháng 12/2018, tổng số bến cảng được công bố trên toàn quốc của VIMC là 272 bến cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Những cảng biển mới được đưa vào hoạt động trong năm 2018 gồm khu vực Hải Phòng (cảng Container quốc tế Hải Phòng (HITC), cảng Nam Đình Vũ; khu vực Trung Bộ (cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Chu Lai).

Chú thích ảnh
Bốc dỡ container tại cảng  Quy Nhơn.

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển đang tiếp tục xem xét đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ và một số cảng chuyên dụng tại các địa phương.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2018 ước đạt 17,8 triệu TEU, tăng lần lượt 19% và 24% so với năm 2017. Lượng hành khách qua cảng cũng tăng 28,9% so với năm 2017, đạt 5,8 triệu hành khách.

Về khối hoạt động dịch vụ hàng hải, năm 2018 là năm thứ 2 kể từ khi thực hiện Quyết định số 200/QĐTTg của Chính phủ, Việt Nam xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016 về chỉ số hoạt động logistics (LPI) theo công bố của Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 12 - 14%. 

Về khối hoạt động vận tải biển, tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, đội tàu container tăng trưởng từ 19 tàu (năm 2013) lên 41 tàu trong (năm 2018). Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt hơn 153 triệu tấn.km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. 

Về kết quả hoạt động đầu tư, hoạt động đầu tư năm 2018 của VIMC được ghi nhận với việc hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng các dự án cầu cảng, gồm: Dự án đầu tư Cảng Tiên Sa (giai đoạn II), dự án Cảng Vinalines Hậu Giang, dự án chuyển đổi công năng Cảng SSIT. Ngoài ra, VIMC đang tiếp tục triển khai các dự án: Cảng Vinalines Đình Vũ, Dự án cảng Sài Gòn Hiệp Phước.

Năm 2019, Vinalines đặt mục tiêu hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần, hợp nhất các doanh nghiệp cùng với bộ nhận diện thương hiệu mới của tổng công ty và tiến hành các chiến dịch quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, liên kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên để cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ không tách rời, ưu việt; thực hiện các dự án công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và năng suất lao động; giảm dần các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao trách nhiệm đối với an sinh xã hội.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức
Ngành Hàng hải 'thúc' doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0
Ngành Hàng hải 'thúc' doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển và các Hiệp hội liên quan đề nghị triển khai ứng dụng công nghệ 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN