Để đạt được kết quả này, lãnh đạo VIMC cho biết, trong điều kiện thị trường vận tải biển có nhiều biến động, các đơn vị đã bám sát, tận dụng tốt cơ hội thị trường để ký các hợp đồng với mức tài chính cao cho một số tàu hàng khô và tàu dầu.
Trong đó, Vosco đạt lợi nhuận 567 tỷ đồng, VIMC Shipping 379 tỷ đồng, Vinaship 264 tỷ đồng, Inlaco Sai Gon 231 tỷ đồng, Đông Đô 73 tỷ đồng. Với hai đơn vị thành viên là Vosco và Vinaship, hoạt động thuê tàu ngoài được triển khai tích cực.
Đối với khối cảng biển, Cảng Đà Nẵng đạt được kết quả nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản trị điều hành như đẩy mạnh các dự án công nghệ thông tin, ứng dụng E-Port. Theo đó, 100% các hãng tàu truyền lệnh giao hàng điện từ EDO, nâng cấp 100% các cổng thành cổng container tự động.
Trong khi đó, Cảng Sài Gòn cũng đạt được kết quả như: thiết lập chuỗi dịch vụ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh - Cái Mép Thị Vải (CMTV) - Đồng bằng Sông Cửu Long - cảng Phnôm Pênh, từng bước đưa cảng Tân Thuận đóng vai trò quan trọng trong chuỗi kết nối với khu vực Cái Mép Thị Vải.
Trong 9 tháng năm 2022, hệ thống cảng của VIMC tiếp tục phát triển thêm được 5 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), SSIT (2 tuyến)
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các tuyến vận tải mới như thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối trực tiếp cảng Cửa Lò với Ấn Độ, Bangladesh; đẩy mạnh phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong việc kết nối, tìm kiếm các chủ hàng, nguồn hàng mới như mặt hàng Alumine cho cảng Cam Ranh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container thông qua cảng Cửa Lò, phát triển dự án trung tâm chiếu xạ cho mặt hàng nông sản tại cảng Cần Thơ…
Cùng với đó, VIMC cũng triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng mới như dịch vụ vận tải sà lan ven biển kết nối khu vực CMTV - Campuchia, Quy Nhơn - Đà Nẵng, Quy Nhơn - Cái Mép Thị Vải.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo VIMC cho hay, dù đạt được những kết quả khả quan trong quý III, nhưng dự báo, kinh tế toàn cầu trong quý IV và thậm chí sang những tháng đầu năm 2023 sẽ vẫn còn chịu nhiều tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, cũng như nguy cơ về suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Lạm phát gia tăng kéo theo lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các thị trường lớn như châu Mỹ và châu Âu, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường vận tải biển nói riêng và hoạt động của ngành hàng hải nói chung”, lãnh đạo VIMC nhìn nhận.
Trước những dự báo trên, lãnh đạo VIMC cho biết nhưng tháng cuối năm Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao. Trong đó, sẽ triển khai các giải pháp tạo sự đột phá trong công tác đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt tại các dự án lớn như Dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4 Lạch Huyện, Dự án xây dựng bến số 1 cảng Quy Nhơn, dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu,…
Bên cạnh đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thị trường vận tải biển để hỗ trợ các đơn vị vận tải biển tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường. Đẩy mạnh chương trình marketing với khách hàng, hãng tàu để tăng thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng của Tổng công ty.
Đông thời, triển khai xây dựng đổi mới hệ thống quản trị, mô hình phát triển, đảm bảo thực thi nguyên tắc “1 hệ thống, 2 trung tâm, 3 chiến lược”; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng hệ thống dữ liệu thông suốt, kết nối dữ liệu tập trung tới các đơn vị thành viên…
Theo chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, VIMC dự kiến năm 2022 sẽ đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.518 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ - Tổng công ty (VIMC) đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.