Theo hồ sơ đề xuất, dự án sẽ được xây dựng tại các xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, do Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô 13 bến với tổng chiều dài 3.583m, thiết kế cho tàu có trọng tải từ 5.000 - 250.000 DWT. Khu hậu cần cảng dự kiến 53,9 ha. Công suất thiết kế để có thể thông qua lượng hàng 30 - 35 triệu tấn/năm.
Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024) sẽ xây dựng 9 cầu cảng; đê chắn sóng, văn phòng, kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật; khu nước trước bến, vũng quay tàu, luồng tàu kết nối, vùng nước tiếp giáp diện tích. Giai đoạn 2 (từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2025) sẽ xây dựng tiếp bến cảng số 10, 11, 12, 13, đê chắn sóng, kho; khu nước trước bến, vũng quay tàu, luồng tàu kết nối, vùng nước tiếp giáp diện tích. Giai đoạn 3 triển khai từ tháng 1/2026 đến tháng 3/2028 sẽ xây dựng đê chắn sóng phía Nam, khu bãi hàng phía Nam tiếp giáp đê chắn sóng; khu nước.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, cảng biển Bình Định gồm các khu bến cảng: Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa; Nhơn Hội, Phù Mỹ. Trong đó, khu bến cảng Phù Mỹ được quy hoạch phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và năng lực nhà đầu tư.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật các bến cảng không kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thuộc khu bến cảng Phù Mỹ, có tổng vốn đầu tư khoảng 8.900 tỷ đồng.
“Khi có đủ cơ sở pháp lý đầu tư xây dựng Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ, việc đầu tư bến cảng phục vụ vận hành dự án thép là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Việt cho hay.
Đồng thời, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh, khu vực đề xuất xây dựng bến cảng Phù Mỹ là vùng biển hở, đòi hỏi kinh phí lớn để đầu tư hạ tầng bến cảng bao gồm cả đê chắn sóng, luồng tàu. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến để Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính thực hiện dự án theo quy định để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, khi đối chiếu với hồ sơ, tài liệu do Sở Giao thông vận tải Bình Định cung cấp, với các bến cảng không kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thuộc khu bến cảng Phú Mỹ đã có một số nội dung thay đổi.
Cụ thể, nhà đầu tư đã đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bến cảng chuyên dùng phục vụ khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ gồm 13 cầu cảng với chiều dài 3.583m, hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2025.
Phương án này đã có sự thay đổi về mặt bằng tổng thể, tổng chiều dài cầu cảng, diện tích khu hậu cần sau cảng và tiến trình đầu tư so với hồ sơ, tài liệu được cung cấp bởi Sở Giao thông vận tải Bình Định cũng như văn bản được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật các cầu cảng chuyên trong quy hoạch chi tiết Nhóm cảng số 4.
Bên cạnh đó, tổng số cầu cảng chuyên dùng không thay đổi, nhưng quy mô đã được nhà đầu tư tính toán đáp ứng công suất của Nhà máy gang thép đến 5,4 triệu tấn/năm. Do đó, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến để cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương đầu tư.
Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tiếp tục rà soát, hoàn thiện các vấn đề như: Nghiên cứu bố trí vị trí các cầu cảng phù hợp với vị trí các công trình liên quan như kho bãi, đê, kè…; phù hợp với công nghệ xếp dỡ để đảm bảo hiệu quả trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa nội bộ trong dự án; phân kỳ đầu tư các cầu cảng và các công trình liên quan phù hợp với tiến trình đầu tư các tổ hợp dây chuyền sản xuất thép cũng như chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Hàng hải Việt Nam lưu ý nhà đầu tư, khu bãi phía Nam chưa có tính kết nối với các cầu cảng và Nhà máy gang thép. Do đó, cần nghiên cứu bố trí kho bãi và hạ tầng hàng hải (đê chắn sóng, kè bờ…), diện tích sử dụng mặt nước đảm bảo tận dụng tối đa quỹ đường bờ nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên mặt đất, mặt nước và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Liên quan đến quy mô dự án, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho rằng, tiến trình phát triển các cầu cảng phải đảm bảo phù hợp với kết quả nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021 - 2030. Do vậy, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cập nhật chi tiết bến cảng chuyên dùng nêu trên trong quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021 - 2030.