Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ Xây dựng xác định tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó trọng tâm là các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước, Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ chú trọng thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về: Quy hoạch kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản; rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử.
Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2023 được Bộ Xây dựng đặt mục tiêu gồm: Tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5 - 7%, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành, nội thị ước đạt 42,6%, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người, sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8 - 8,5%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021...
Đáng chú ý, năm 2022, Bộ Xây dựng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua chính sách, báo cáo và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Riêng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình và lấy ý kiến thành viên Chính phủ và đang được Bộ lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo; đồng thời, Bộ đã hoàn thành báo cáo rà soát, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị, cấp thoát nước, không gian ngầm.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi (nếu có) của chủ đầu tư các dự án này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề xuất, trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" bất động sản và sự suy giảm của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo gửi Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...